Có khi nào, trong chăn ấm đệm êm, bạn thắc mắc về cuộc sống ở phần còn lại của thế giới?
Có thể đất nước chúng ta đã từng trải qua chiến tranh, đã từng bị chia cắt, đã từng trải qua đói nghèo, thiếu thốn, đã từng thất học. Nhưng chúng ta chưa bao giờ nội chiến. Dân tộc chúng ta luôn đoàn kết, tương trợ nhau. Chúng ta đứng lên ngay trong lúc gian khổ nhất.
Nhưng Afghanistan, họ còn không có cả cơ hội để đứng lên. Chiến tranh liên miên, nội chiến không dứt. Ngay cả trong thời kỳ thế giới hoà bình nhất, ở Afghanistan cũng là một cơn ác mộng. Họ không thể tin tưởng nhau, họ còn không thể tin tưởng vào chính mình. Tương lai của họ phải trả bằng máu và lòng dũng cảm sống tha hương.
Mình từng xem một đoạn tài liệu do những phóng viên chiến trường quay trong chiến tranh Việt Nam. Trong đó một người cha khóc và nói với phóng viên rằng “Con tôi có tội gì? Nó vừa ngồi chơi ở kia. Họ đánh bom làm nó chết. Vợ tôi cũng chết. Chết hết rồi. Chết hết rồi. Chúng tôi có tội gì?”
Đúng thế. Những con người yếu đuối có tội gì? Tại sao lại phải trả cả tính mạng cho lợi ích của một nhóm người?
Chiến tranh. Dù ở đâu cũng đều đáng sợ. Cái mà những cuốn tiểu thuyết của Khaled Hosseini miêu tả không đơn thuần là sự tàn khốc của chiến tranh. Ông miêu tả số phận những con người đã bị chiến tranh bóp méo, từ sự tươi vui của tự do thịnh vượng đến những màu đen và xám của súng ống, của sự chết chóc, của những bức tường sụp đổ vì bom đạn. Ông miêu tả văn hoá của một dân tộc bị lụi tàn, dần dần biến mất một cách xót xa.
Nhưng dù sao, ngay trong những tháng ngày ấy, tình người vẫn cứ sống dậy và nở rộ như một bông hoa rạng rỡ. Mang đến niềm hy vọng vào bình minh.
Bộ ba: Ngàn mặt trời rực rỡ – Người đua diều – Và rồi núi vọng đã lấy đi rất nhiều nước mắt của những ai phản đối chiến tranh, đặt niềm tin vào con người.