Sau khi có một kỷ niệm đẹp khi làm với nhau cuốn sách Hà Nội bảo thế là thường, nhà văn Nguyễn Trương Qúy và tôi bàn với nhau về một cuốn sách thứ hai. Vẫn sẽ là Hà Nội, nhưng lần này tôi mong muốn cuốn sách sẽ tập trung hơn vào một chủ đề nào đó, đào xới sâu hơn vào một câu chuyện. Vì vậy khi nghe anh nói sẽ kể câu chuyện về những dấu chân đi về, tôi rất hứng thú.
Người Hà Nội đã đi trên những con phố, qua những cửa ô, quảng trường và ngã tư. Họ đi bộ, đạp xe, bắt tàu điện, lên thuyền, đón tàu hỏa, ghé những nhà ga, bến bãi. Họ đến những quán xá, đền chùa, những không gian hoang dại ven thành phố, hay xa hơn là những không gian của lạc thú, của vọng tưởng. Họ về nơi trú ngụ của thân thể và tâm hồn. Những con người ấy, có thể nổi tiếng, có thể bình thường, đều mang tâm tình riêng trên suốt cuộc đi về của họ.
Theo chiều dài lịch sử quãng độ một trăm năm, đấy là một bức chân dung Hà Nội vừa lớn lao vừa tinh tế mà cuốn sách này có tham vọng vẽ nên.
*
Điều thứ nhất tôi thích ở cuốn sách này, là trong khi mô tả sự đi về, nó khắc họa được một cuộc di chuyển của người Hà Nội theo cả hai chiều không gian và thời gian. Người ta đã đi trên con phố này, rồi người ta không đi nữa; người ta đã khao khát phương tiện này, rồi người ta bỏ qua; người ta mong muốn chốn nương náu này, rồi người ta xa lánh; người ta đóng đinh vẻ đẹp này, rồi người ta gỡ đi; người ta quay lưng với một thứ trong đời sống thực, nhưng rồi người để nó mãi trong hồi ức.
Ví như đọc bài viết về chiếc xe đạp trong bài “Một chiếc xe nhanh đạp giữa đàng”, ta sẽ đi từ thú vị này đến thú vị khác. Một mặt trong sự liên kết với các bài viết khác, ta có thể hình dung chiếc xe đi đâu về đâu, nhưng ở mặt kia, ta nhìn thấy số phận của nó trong lịch sử đời sống.
Những năm đầu thế kỷ XX, chiếc xe đạp xuất hiện ở Hà Nội như một biểu tượng của quyền lực và văn minh. Giá xe đạp rất đắt, vì thế với phần đông dân chúng đi bộ thì nó một ước mơ tuyệt vọng. Theo đó mà “mất xe đạp” là cụm từ rất kinh khủng, trong khi hình ảnh những “tiểu thư cưỡi xe đạp” là hình ảnh hấp dẫn đáng ước ao. Khía cạnh vật chất của xe đạp lấn át khía cạnh chức năng là một phương tiện vận chuyển.
Đến những năm chiến tranh và sau thống nhất, chiếc xe đạp phổ biến hơn, trở thành phương tiện mưu sinh với những guồng quay mướt mải giữa đời sống nhọc nhằn. Vẫn là một thứ tài sản nhưng bớt đi nhiều thơ mộng. Giữa thời bùng nổ của xe máy ô tô, những chiếc xe đạp của người lao động ít ỏi lọt thỏm trên đường phố, mang đến cảm giác nhỏ nhoi tội nghiệp. Thế nhưng người ta lại dành cho xe đạp một góc nên thơ trong ký ức:
“Những bức ảnh Hà Nội thời chiến tranh và những năm sau thống nhất, trưng ra khung cảnh những đường phố tràn ngập xe đạp, những dáng người gầy gò đội mũ cối hay nón lá mải miết guồng bàn đạp, những ngã tư thường trực một người làm nghề bơm vá xe đạp, cái nghề bình dân cho bất cứ ai không kiếm được việc trong biên chế hay đã về hưu. Kỳ lạ là những khuôn hình ấy giờ đây lại ăm ắp nỗi “hoài niệm thời bao cấp”, trong đó xe đạp hiện diện như một đồ vật có xu hướng được trữ tình hóa.”
Hay chiếc ô tô trong bài “Tay lái ta dồn lên lời ca”, ngoài việc là một món vật chất xa xỉ, có khi được gán cho nghĩa suy đồi, có khi gắn với sự ăn trên ngồi trốc của tầng lớp thực dân, còn trong tiểu thuyết lãng mạn Đoạn tuyệt của Nhất Linh lại là thứ thể hiện vẻ đẹp ngời ngời nam tính của nhân vật Dũng, mà khi đó chỉ nhìn Dũng lái xe tốc độ và chăm chú mà Loan thấy hết cả “cái mãnh liệt của đời Dũng”.
“Chiếc ô tô trong Đoạn tuyệt đã đóng vai trò hơn cả một phương tiện giao thông. Nó là cơn mê đắm của tình ái, là sự bấu víu vượt ra khỏi tốc độ bế tắc của đời thường. Nó cũng là sự hiện diện hiếm hoi của sự hào hoa nam tính, mà sau này vào đầu thập niên 1950, còn truyền tụng qua giai thoại về cựu hoàng Bảo Đại hay nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, những người mà xe hơi nhất định có mặt trong những cuộc tình diễm ảo.”
Cuộc dịch chuyển theo cả hai chiều này, như thế đã cung cấp một nhận thức khá bao quát về đời sống Hà Nội. Hơn thế nó tạo ra một không khí Hà Nội, một không khí đô thị đậm đặc, lôi cuốn người đọc bước vào.
*
Cuốn sách thú vị còn ở chỗ đâu đó giữa những trang sách luôn phảng phất một cái cười. Nét cười này đã có thể nhìn thấy trong cuốn sách Hà Nội bảo thế là thường hay những cuốn sách khác, nhưng độ tập trung của câu chuyện làm cái cười mạnh lên. Sự hài hước bật ra khi tác giả đặt cạnh nhau cái cũ và cái mới. Trong khi tìm kiếm các dẫn cho bài viết, Nguyễn Trương Quý tìm được rất nhiều chi tiết đắt giá, thể hiện sự công phu của công việc khảo cứu. Những chi tiết ấy thể hiện sắc nét tâm tình của con người một thời, khác biệt và thậm chí kỳ lạ với chúng ta ngày nay, và vì thế không khỏi gây nên cái cười nhè nhẹ.
Chẳng mấy xa xôi mà chúng ta đã thấy kỳ cục khi ánh điện tuýp một thời đã là biểu tượng của văn minh, của đô thị, của ước vọng đi cả vào thơ vào nhạc: “ánh nê ông pha biếc buổi chiều”. Hay bãi tắm Đồ Sơn, Sầm Sơn được coi như “thiên đường hạ giới” một thời với lạc thú tắm biển xa xỉ chỉ dành cho người Pháp và dân thượng lưu bản xứ, trong khi người Việt bây giờ mỗi mùa hè dồn hết về các bãi biển miền Trung, thậm chí còn đi tắm trên toàn thế giới.
Như ở đoạn văn này, ta nhìn thấy một cái nháy mắt khi tác giả nhận xét về ranh giới của nghệ thuật và lạc thú đối với văn nhân đàn ông:
“Một số văn nghệ sĩ có thể viện lý khoái lạc là cảm hứng sáng tác, như Vũ Bằng gọi phố cô đầu Khâm Thiên là ‘cái nôi văn nghệ của Hà Nội' những năm 1930, với từ viết tắt “K.T” trứ danh. Khâm Thiên vốn dĩ không phải địa phận Hà Nội mà trên đất tỉnh Hà Đông, ở đúng chỗ giáp ranh với nội thành cũ. Khi chúng ta ngoái nhìn lại những mô tả nhiều phần hoa mỹ của các văn nhân đàn ông, chúng ta có lẽ phải thấy rằng, ranh giới giữa thú chơi ca xướng với tìm khoái lạc rất mong manh.”
Nhưng cái cười trong cuốn sách không phải là cái cười của sự tiêu diệt, phá hủy, nó là cái cười nhẹ nhàng, hóm hỉnh, bao dung của một người trải đời. Hà Nội đã từng thế đấy, đã từng có chuyện rất dở hơi, nhưng nó là thế.
Cũng như sau này, có thể con cháu chúng ta trong tương lai không còn cần ra đường nữa, chúng sẽ có những siêu máy tính để làm việc tại nhà, chúng sẽ nhìn những tấm ảnh đám ô tô xe máy cuồn cuộn trên đường của chúng ra bây giờ đầy ngạc nhiên, chúng sẽ nhìn cuộc tắc cứng ở hầm đường bộ Lê Văn Lương ngay ngày đầu thông xe và cười.
*
Cuốn sách này, vì thế, bạn có thể đọc nó như một cuốn sách khảo cứu với những số liệu, dẫn chứng công phu, những liên tưởng và nhận xét sắc bén, hay thưởng thức vẻ duyên dáng, nhịp nhàng, sự khơi gợi của một tác phẩm văn chương. Đây vốn là thế mạnh của Nguyễn Trương Quý.
Bài viết của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy