“Nghe trong âm ba từng con sóng vỗ về” (Bài ca đất phương nam). Câu hát này cứ vang lên trong đầu mình khi đọc Tiếng triều dâng. Mình đã từng nghĩ âm ba chính là tiếng triều dâng (Sound of waves, tựa tiếng Anh), nhưng âm ba thật ra chỉ là soundwave (sóng âm) mà thôi. Bản dịch Tiếng triều dâng và bìa của nó quả là xứng đáng cho một tiểu thuyết ngắn tưởng không có gì nhưng có thể đọng mãi trong ta, như âm ba của từng vỗ về con sóng.
Đây là một câu chuyện bối cảnh xưa (xuất bản năm 1954), và motif cũng xưa nốt: chuyện tình của những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi. Những rung động đầu đời, khao khát và cả ganh đua – vì thế mà ta sẽ có 4 nhân vật nam nữ, người mình yêu không phải kẻ yêu mình, và ngược lại.
Với cốt truyện xưa cũ (mà ta chắc sẽ đoán luôn được kết thúc) đó, điều gì đã khiến Tiếng triều dâng giúp tác giả Yukio Mishima đạt giải thưởng Shincho, và tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim đến 5 lần? Mình cho rằng đó là vì tác giả đã bao bọc một câu chuyện tình điển hình trong những tiếng sóng, bằng cách để nó diễn ra trên một hòn đảo ngoài khơi thái bình dương.
Ở đó, bạn đọc sẽ thấy chàng thanh niên Shinji chí thú với nghề đi biển để giúp mẹ và nuôi em ăn học, tiểu thư Hatsue con của chủ tàu giàu có, một gã hợm hĩnh Yasuo và Chiyoko, con gái người giữ ngọn hải đăng. Sẽ có những phải lòng nhau đến sớm, những hờn ghen, đố kỵ, ganh ghét, nhưng cũng có những tình cảm thuần khiết, những khí phách rất đỗi anh hùng khi 4 con người đó xoay vần giữa chuyện yêu đương và chiếm đoạt.
Nhưng phải thú thật, sách tả cảnh quá nhiều, chi tiết, mà mình lại không quen với kiểu như thế. Mình chỉ thực sự thấy sách bắt đầu cuốn hút khi những mưu toan đầu tiên được triển khai. Cách các nhân vật xử lý tình huống và nhất là cốt cách của mỗi người được tác giả khắc họa rất riêng. Tính cách của mỗi nhân vật, nhất là Chiyoko, chứ không phải cặp đôi vai chính, là điều mình thích nhất.
Tiếng triều dâng cũng cho người đọc biết rất nhiều về nghề đi biển, nghề lặn san hô, về cuộc sống dân chài nơi đảo xa của nước Nhật hơn nửa thế kỷ trước, và về những quang cảnh mà ai xem anime nhiều, nhất là phim Ghibli, hẳn sẽ dễ dàng hình dung. Nhưng sẽ tuyệt hơn nếu ta đọc nó khi đang ở gần biển khơi như thế, hoặc giả đã từng trải qua những cảnh đấy, để dễ dàng đặt chân lên hòn đảo trong Tiếng triều dâng.
Mình đã định review và recommend quyển này trước kỳ nghỉ lễ, để bạn nào có đi biển thì mang nó theo. Nhưng hôm nay viết được thì đã muộn, và những chuyến đi biển giờ cũng là điều xa xỉ mất rồi.