Vào 1 buổi tối đẹp trời cách đây 1 tuần, mình đi hội sách Nhã Nam với tâm lí “chỉ mua Dune mà thôi, đang nghèo thì chớ”. Đến nơi thì tất cả những ý nghĩ đó vứt ra đằng sau. Quyển nào cũng muốn mua, muốn lấy mà lương thì chưa về :(( suy đi tính lại cuối cùng mình lấy “Thợ xăm ở Auschwitz“, và đúng là không phải thất vọng.
Nhân vật chính của câu chuyện là Lale, 1 người tù trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Giữa 1 nơi mà cái chết diễn ra hàng ngày, con người sống chỉ để tồn tại, Lale vẫn luôn tin rằng “mình sẽ sống để rời khỏi đây”. Và như định mệnh của mình, ở nơi hoang tàn này, anh không ngờ mình sẽ gặp tình yêu của đời mình, Gita với mã số 4562.
“Những người yêu nhau và những bạn bè chí cốt gọi nhau bằng tên riêng. Đức quốc xã gọi họ bằng con số. Tên riêng gắn liền với sự sống, là cửa dẫn vào sự sống. Con số gắn liền với cái chết”.
Bao trùm lên cuốn sách vẫn là một màu sắc tang tóc và u ám của sự tàn bạo, vô nhân tính, của những phòng hơi ngạt hay lò đốt xác. Nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận được dư vị của tình yêu. Thứ tình yêu ấy đã cho hai con người động lực và niềm tin cũng như sức mạnh để đi tiếp. Đó như 1 sự tương phản giữa một bên là đau thương, nơi mở mắt ra chỉ toàn là chết chóc và một bên là mối tình như mầm cây vẫn đâm chồi sinh sôi nảy nở.