Tôi nghe nói nếu muốn ngồi im 1 chỗ cũng được đến Paris thì cứ đọc Modiano, muốn đi HongKong thì đọc Chan Ho Kei, còn muốn ngửi, muốn nếm Istanbul thì gặp Orhan Pamuk (xin đừng hỏi là ai nói thế, vì tôi sẽ không nói – có khi chính tôi bịa ra cũng nên). Vì bản thân tôi từ lâu vẫn luôn ham muốn được đến Thổ Nhĩ Kỳ mà lại chưa thu xếp được thời gian (thực ra là tiền bạc), thế nên khi có người dụ tôi đọc “Tên tôi là Đỏ”, tôi bèn tìm mua luôn 1 cuốn ở quầy sách cũ giảm giá để đọc. Kết quả là đọc cả tháng mới xong – sợ thật!
Cuốn sách này khá là thách thức đối với cá nhân tôi, vì nó viết về Istanbul, nhưng là Istanbul của thế kỉ 17, dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman hùng mạnh. Đó là Istanbul với đời sống gắn liền bởi sự chi phối của Đạo Hồi, với nền văn hóa giao thoa giữa phương Đông, phương Tây và vùng Trung Đông, từ Trung Hoa, Ấn Độ đến Arab và cả vùng Địa Trung Hải luôn. Có lẽ bởi sự va đập của những nền văn minh lớn và giàu bản sắc nên bức tranh mà Orhan Pamuk vẽ lên trong Tên tôi là Đỏ rất hoành tráng, rộng lớn, đa sắc màu và cũng rất đặc trưng – Nó quá đặc trưng và xa lạ với trải nghiệm của bản thân tôi – vì vậy nên nó là 1 thách thức rất lớn!
Về chủ đề, Tên tôi là Đỏ là câu chuyện bi kịch của giới tiểu họa Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỉ 17, khi mà vai trò của họ dần lụi tàn, khi niềm tin vào phong cách bị lung lay, và tương lai thì bất định trước nhiều lối rẽ nhưng chẳng lối rẽ nào thực sự được coi trọng do bị kìm kẹp bởi chế độ và tôn giáo. Rộng hơn nữa là câu chuyện về cuộc sống, về chiến tranh, những vấn đề xã hội, về những dân tộc thiểu số sinh sống ở Istanbul, về thân phận những người phụ nữ, và về tình yêu (thực ra còn nhiều, nhiều lắm những nét nhỏ li ti trong bức tranh Istanbul của Pamuk, nhưng tôi lười liệt kê). Tóm lại, nghe thì có vẻ chỉ là những ẩn dụ thân thuộc vốn có trong văn chương, nhưng lại vô cùng khó nắm bắt do sự khác biệt trong nếp nghĩ, trong cảm xúc và cả niềm tin tôn giáo nữa, khiến cho tôi bị ngỡ ngàng và nhiều lúc cứ phải bối rối “không hiểu sao người ta lại suy nghĩ như vậy” – thật không ngờ những cảm xúc của con người lại có thể xa lạ đến như thế!
Chất liệu để Pamuk tạo nên bức tranh của mình chi tiết và đặc trưng như vậy là cách kể chuyện vô cùng khác lạ – ông dùng 1 cốt truyện có chút yếu tố trinh thám để lôi kéo sự tò mò của độc giả, rồi chậm rãi kể 1 câu chuyện về lịch sử và văn hóa. Truyện mở đầu với 1 vụ án, và người nói những lời mở truyện là nạn nhân – vâng, là lời của 1 xác chết! Sau đó – chẳng có twist nào cả, tác giả bắt đầu vẽ tranh từ đó. Có thể nói Pamuk đã vận dụng mọi yếu tố có thể, dùng mọi nhân vật mình có để kể chuyện – từ mọi góc nhìn khác nhau cho bức tranh thêm đa chiều và sâu sắc. Từ góc nhìn những nhà tiểu họa đến những chiến binh, những ông già, những chàng thanh niên, từ người vợ đến đứa con, từ bậc thầy trong cung đình đến người bán buôn ở chợ, từ nạn nhân cho đến hung thủ, thậm chí đến những bức tranh hay từng chi tiết trong bức tranh như con chó, con ngựa, thần chết..v..v.. tất cả đều cất lên tiếng nói, những quan điểm, triết lý riêng của bản thân về thời cuộc. Đó quả là 1 cuộc truy cầu suy tưởng sâu sắc và điên rồ. Và đó cũng là 1 thách thức cho độc giả như tôi!…
….Để đến cuối cùng, dù đã trải qua 1 cuộc du hành về 1 Istanbul của lịch sử thì tôi vẫn thấy choáng ngợp vì sự khác biệt của tác phẩm!