Stevens từng một quản gia tận tụy và trung thành, phục vụ cho Huân tước Darlington – người đã có những ảnh hướng lớn trong sự kiện Hòa ước Versailles và Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau này, Dinh Darlington được bán cho một ông chủ người Mỹ, Stevens vẫn giữ chức vụ quản giá nhưng thời thế thay đổi, đội ngũ nhân sự trở nên eo hẹp và chất lượng phục vụ dần sa sút. Một ngày, Stevens nhận được thư từ cô đồng nghiệp cũ Kenton; được sự đồng ý của ông chủ, Stevens bắt đầu hành trình đi qua miền Tây nước Anh để gặp lại cô. Trong quá trình 6 ngày rong ruổi, Stevens hồi tưởng lại những ngày hoàng kim xưa cũ trong sự nghiệp quản gia của mình.
—
Chỉ thông qua dòng hồi ức, Kazuo Ishiguro đã rất thành công trong việc xây dựng hình ảnh một quản gia người anh mẫu mực, nghiêm túc, ngay thẳng. Ban đầu, ngôn ngữ trong cuốn sách làm mình thấy hơi dài dòng, kiểu mẫu, trịch thượng… nhưng càng đọc mình lại càng trân trọng sự điềm tĩnh trong cách lựa chọn ngôn từ của tác giả.
Cả cuộc đời, Stevens luôn trăn trở với câu hỏi: thế nào là một quản gia vĩ đại? Và ông biến chính cuộc đời mình thành câu trả lời. Đối với ông, nếu không đủ tài năng để trở một nhân vật xuất chúng, tạo ra những thay đổi cho nhân loại, thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể toàn tâm toàn ý phụng sự cho một vĩ nhân như thế. Đây là một thông điệp có tính soi chiếu đối với bất kì ai, trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh, kể cả ở thời điểm hiện tại.
Ban đầu, Stevens tự hào hồi tưởng đến những thành tựu ông góp phần tạo ra tại dinh Darlington này, những bữa tiệc sang trọng, những hội đàm chính trị bí mật từ các nhân vật nổi tiếng, những quyết định lớn lao ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Ông luôn sắm tròn vai, tiết chế cảm xúc, kiểm soát chính kiến cá nhân, bàng quan trước những sự kiện không thuộc phận sự.
Nhưng dần dần, cái giọng điệu kiêu hãnh ấy bị thay thế bằng những hoang mang. Ông ngây thơ tin vào một quá vãng đẹp đẽ, ông cố chấp tin vào lý tưởng cao đẹp. Ông tỏ ra tận tụy, chuyên nghiệp vào công việc ngay trong giây phút người cha lìa trần, nhưng lại tự an ủi rằng cha sẽ hài lòng và tự hào vì hành động của ông. Ông phớt lờ tình cảm cá nhân, để đạt được hai chữ “phẩm cách” hoàn hảo. Ông phớt lờ những cảnh báo Huân tước Darlington đang bị lợi dụng, vì một sự trung thành và niềm tin mãnh liệt vào người chủ nhân đáng trọng. Mọi quyết định ông đưa ra đều có lập luận của lý trí, để rồi cuối đời nhìn lại, các mảnh kí ức như một cuốn phim tua chậm chỉ đem lại toàn nỗi xót xa.
Cốt truyện không phức tạp, nhưng mình phải thán phục sự tài tình trong cách kể chuyện của Kazuo. Các chi tiết cứ như những mẩu chuyện vặt vãnh xảy ra thường ngày, nhưng phải đến khi những mảnh ghép cuối cùng được hé lộ và khớp lại, sự thật được phơi bày làm tan nát trái tim độc giả. Sự tinh tế trong việc tạo đồng cảm giữa nhân vật và độc giả đã làm mình buồn đến thắt lòng khi đọc đến những trang cuối cùng. Bây giờ, mình giở lại sách và viết những dòng review này, mình đang khóc thương cho sự sụp đổ tan vỡ của người quản gia mẫn cán Stevens này.
Gần đi hết cuộc đời rồi, ông mới có được vài ngày thảnh thơi ngắm nhìn cảnh đẹp của nước Anh. Trong quá khứ, bên cạnh luôn ông có cô Kenton, người đã từng hiểu ông nhất, người cố gắng vạch trần sự trung thực của ông, người muốn giúp ông tháo bỏ lớp mặt nạ. Sau nhiều lần chối bỏ cô, cuối cùng, vào khoảnh khắc tàn ngày, bản thân cũng đã bước vào giai đoạn sau của cuộc đời, Stevens phải tự thừa nhận những mất mát trong cuộc đời và những sai lầm của quá khứ. “Sự thực, đương nhiên là, tôi đã dành những gì tốt đẹp nhất cho Huân tước Darlington. Tôi đã dành những gì tốt đẹp nhất mình có thể trao đi, và giờ thì – nói sao nhỉ – tôi thấy mình không còn lại bao nhiêu để mà cho đi nữa.”
Sách có nhiều câu trích dẫn rất hay, nhưng nó nên được đặt trong bối cảnh câu chuyện, tách ra ngoài làm nó kém phần giá trị. Tuy vậy, có một câu nói của cô Kenton có thể dùng để an ủi những trái tim day dứt vì hoài niệm: “Suy cho cùng, đâu có thể quay ngược thời gian được nữa. Người ta không thể ngâm ngợi mãi những gì có thể đã xảy ra. Người ta cần phải nhận ra mình đang có một thứ cũng tốt gần bằng thế, thậm chí còn hơn thế, và biết cảm kích vì điều đó.” Mình cũng mong, sau khi gạt đi những giọt lệ nuối tiếc, Stevens học được cách vượt qua những chấp niệm và bước tiếp, vui vẻ với chủ nhân người Mỹ cùng những câu ‘bông lơn'.
Qua tác phẩm này, một lần nữa, mình cảm phục tài năng của Kazuo Ishiguro. Nếu chi tiết ngoài lề rằng “Cảnh Đồi Mờ Xám” được Kazuo viết ở tuổi 27 đã làm mình kinh ngạc, thì câu chuyện về việc Kazuo tạo ra bản thảo của “Tàn Ngày Để Lại” trong vòng 4 tuần ở tuổi 35 đã làm mình phải vỗ tay thán phục. Giọng văn ý nhị, nhẹ nhàng, hoài niệm, hoàn toàn phù với với nhân vật và bối cảnh. Vẫn sử dụng kỹ thuật unreliable narrator – người kể chuyện không đáng tin cậy mình từng gặp trong “Cảnh Đồi Mờ Xám”, sau 8 năm, tài năng của Kazuo đã tiến đến độ chín, vừa phô diễn được sự nâng tầm kỹ năng, vừa thể hiện sự tiết chế hoàn hảo.
“Tàn Ngày Để Lại” là thực sự một cuốn sách đẹp, nhiều cảm xúc, sẽ nằm trong danh sách chắc chắn phải đọc lại của mình.
Instagram: @mi.reader