Có lẽ rằng tôi nên chọn lấy một cái nhìn tích cực hơn và cố gắng tận hưởng càng nhiều càng tốt quãng tàn ngày để lại cho tôi. Suy cho cùng, chúng ta có bao giờ được gì khi cứ mãi mãi ngoái lại trách móc bản thân nếu đời mình thành ra lại không hẳn như mình mong muốn?
Thật ra mình chưa đọc nhiều sách của Ishiguro. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết của ông “Mãi đừng xa tôi” (Never let me go) khiến mình rơi vào cơn u uất vì không khí bế tắc của câu chuyện. Từ đó mình sợ đọc Ishiguro. Cuốn đầu tiên của ông mà mình đọc là “Cảnh đồi mờ xám”, cũng là cuốn đầu tay của ông và mình thích vô cùng. Xứng đáng trọn vẹn 5 sao.
“Tàn ngày để lại” là cuốn thứ hai mình đọc. Cảm giác đầu tiên của mình khi đọc những trang đầu tiên là “Trời ơi mình đang đọc ai đây chứ nào phải Ishiguro mà mình đã từng đọc?”. Hóa ra sau này mình mới biết, mỗi một cuốn sách của Ishiguro là một màu sắc khác nhau, thậm chí sẽ là một kiểu viết, một thể loại khác nhau. Nếu bạn đã từng đọc một cuốn nào đó của Ishiguro mà không thích, đừng ngại thử đọc một cuốn khác.
Mình phải thú thực “Tàn ngày để lại” không dễ đọc. Mà thật ra một cuốn sách của một tác giả đoạt giải Nobel Văn chương thì khó lòng mà dễ đọc được. Nhưng nếu được, hãy để mình nắm tay bạn dắt đi một vòng rồi hẵng quyết định xem mình có nên bỏ qua cuốn tiểu thuyết lịch sử này hay không nhé.
Điều khiến cuốn sách khó đọc đầu tiên là văn phong. Tiểu thuyết được kể ở ngôi thứ nhất, với nhân vật tôi là một vị quản gia ở một dinh thự Anh. Cả đời của ông vô cùng coi trọng thứ được gọi là “phẩm cách”.
“Phẩm cách, xét đến tận cùng liên quan tới khả năng của người quản gia không từ bỏ con người nghề nghiệp mà ông ta sắm vai”.
Bởi vậy quản gia Stevens rất kiểu cách trong ăn nói. Từ đó dịch giả An Lý cũng cho độc giả đi một chuyến tàu lượn ngôn ngữ với đủ những từ cũ mới. Nhưng đừng lo, mình nghĩ sau khoảng 20 tới 30 trang, bạn sẽ quen với cách nói của Stevens.
Cái khó thứ hai chính là ở câu chuyện mà tiểu thuyết muốn kể. Thật ra đây là một cuốn sách không có một câu chuyện trực diện. Câu chuyện thực sự lại nằm đằng sau câu chuyện mà tác giả dùng ngôn ngữ để kể. Câu chuyện thật sự là câu chuyện không-được-kể ra. Phức tạp, nhưng đầy quyến rũ phải không?
Được đặt bối cảnh giữa Thế chiến đệ nhất và đệ nhị, cùng với sự kiện trước thềm Hòa ước Versailles, chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất giữa Đức và các quốc gia thuộc phe Hiệp Ước, nhưng kỳ thực bạn sẽ không bắt gặp nhiều những yếu tố về lịch sử trong lời kể của Stevens. Bởi Stevens là một người quản gia tận tâm cho “phẩm cách” của mình, ông chỉ một mức chú tâm làm sao để chu toàn cho chủ nhân của mình. Trong lời kể của Stevens chỉ toàn là những lo lắng việc trong dinh thự, chiếc chén chiếc bát, sắp chỗ này, đặt chỗ kia, ….
Thế nhưng khi đã hoàn tất quá trình làm quen với vị quản gia này, bạn sẽ thấy những lời ông nói ẩn chứa nhiều tâm tư hơn vẻ ngoài. Chẳng hạn như khi cha của Stevens ốm nặng trùng vào đúng lúc dinh thự đang có việc trọng đại, buộc Stevens không thể đến với cha mình, dù ông vẫn toàn tâm chú ý tới công việc, qua cuộc đối thoại với Huân tước, ta thấy được dáng vẻ “Trông như đang khóc” của ông.
Đừng quá tin những gì Stevens nói là những gì mình khuyên bạn.
Cách kể của “Tàn ngày để lại” mình bắt gặp vài phần tương đồng với “Cảnh đồi mờ xám”, khi Ishiguro sử dụng cách kể tỉnh bơ và không hàm chứa nhiều cảm xúc, kể chuyện của mình mà như thể kể về người khác; kỳ thực bên dưới lời kể ấy lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Mình nghĩ, người thấm thía nhất câu chuyện của “Tàn ngày để lại” sẽ là những người vốn dành cả tuổi trẻ để theo đuổi một hoài bão, phải hi sinh rất nhiều ước mong để đặt chân tới những thành công, để rồi sau này nhìn lại có đôi phần tiếc nuối.
Cảm hứng sau khi đọc và xem phim “Tàn ngày để lại” mình đã để vào bài viết về bộ phim “The father” mà mình đã post cách đây không lâu.
Cũng phải nói bộ phim chuyển thể từ “Tàn ngày để lại” dù có Anthony Hopkins, một người mình rất thần tượng, lại không đem lại thỏa mãn cho mình. Có rất nhiều phân cảnh và chi tiết mình đã ước được xuất hiện trong phim, cuối cùng không có. Ví dụ như khi cảm xúc được đẩy lên, tới cuối cùng khi nhận ra chỗ dựa tinh thần và lý tưởng của mình đã lung lay, Stevens gần như đã bật khóc, mọi thứ vỡ òa vào chính lúc chiều tà, vào quãng tàn ngày. Đổi lại thì trong phim lại kết bằng phân cảnh Stevens không cảm xúc, xa xăm nhìn về phía xa từ khung cửa sổ của Dinh tự Darlington.
Có rất nhiều chi tiết dù nhỏ nhặt mà tinh tế ở “Tàn ngày để lại” chứng minh cho việc những lời-không-nói-ra là những lời có sức nặng. Chẳng hạn việc một quý ông, một người coi trọng phẩm cách như Stevens lại gọi bà Ben – người phụ nữ từng dành nhiều năm làm việc bên ông bằng cái tên thời độc thân – Cô Kenton. Ông tự nhận thấy đó là một điều thất lễ nhưng ông biện minh bằng lẽ này lẽ khác để tiếp tục được gọi là cô Kenton, như cách ông nhận xét về bà khi gặp lại: vẫn thấy ở bà Ben hình dáng của người xưa kia từng kề cận ông.
Nếu sau khi đọc xong review này, bạn đã tìm thấy ít nhiều sự hứng thú với “Tàn ngày để lại” thì hãy thử chinh phục nhé. Mình nghĩ đây là một cuốn sách rất hay và đáng đọc.