Cái nhìn thấu suốt hơn về quan hệ giữa các quốc gia
Địa chính trị đặc biệt hiệu quả khi được nhìn ở tầm vĩ mô, tức là các quan hệ quốc tế: mỗi quốc gia có những quân bài địa lý riêng, và vị thế của mỗi đất nước sẽ được ấn định theo cách nó chơi những quân bài ấy như thế nào. Sự hấp dẫn đặc biệt của Những tù nhân của địa lý có lẽ đến từ hướng tiếp cận độc đáo đối với vấn đề, cùng lối dẫn dắt giản dị của tác giả, vừa dễ hiểu, vừa kích thích sự tò mò nơi người đọc.
Chẳng hạn, trong chương về nước Nga, Tim Marshal phân tích vị thế của cường quốc này: “Việc thiếu một cảng nước ấm có lối ra trực tiếp với các đại dương luôn là gót chân Achilles của nước Nga […] Nga đang ở trong tình trạng bất lợi về mặt địa lý, chỉ nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt nó mới thoát khỏi vị thế một thế lực yếu ớt hơn nhiều”.
Cách tiếp cận này giúp người đọc hiểu ngay tại sao vấn đề Ukraine lại quan trọng với Nga đến vậy, từ việc Nga can thiệp quân sự và sáp nhập Crimea, cho đến cuộc chiến Nga – Ukraine vừa qua đã đưa lại rất nhiều tổn thất cho cả Nga lẫn phương Tây. Địa chính trị cho phép chúng ta có một cái nhìn thấu suốt hơn rất nhiều về quan hệ giữa các quốc gia. Sẽ rất khó bàn đến cuộc chiến Nga – Ukraine, nếu không hiểu được các vấn đề địa lý, bởi mỗi quốc gia đều bị khuôn định bởi các điều kiện địa lý của mình, khiến cho một chiều hướng hành động khác dường như là điều không thể.
Địa chính trị không phải là một ngành đơn giản. Chưa bàn đến sự đòi hỏi lượng kiến thức mênh mông về địa lý, cũng như chính trị, cùng khả năng phân tích, xâu chuỗi nhiều chi tiết để nhìn ra vấn đề, người đọc phổ thông phải đối mặt với một hệ thống thuật ngữ rắc rối phức tạp không kém bất cứ chuyên ngành sâu nào. Có nhiều lý do khiến địa chính trị chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam, và tương ứng cũng có chừng ấy rào cản cho một cuốn sách viết về chủ đề này. Nhưng Những tù nhân của địa lý đã vượt qua những thách thức ấy một cách ngoạn mục. Mặc dù bao quát hầu hết các khu vực, các cường quốc lớn trên thế giới, từ Mỹ, Nga, Trung Quốc, đến châu Phi, châu Mỹ Latin, Trung Đông, thậm chí còn bàn đến cả tương lai của Bắc Cực, nhưng Tim Marshall không hề gây cho độc giả cảm giác mệt mỏi khi phải “bơi” giữa cơ man kiến thức.
Cuốn sách yêu cầu rất ít kiến thức nền ở độc giả, và những gì nó bàn đến thì cũng lại là những vấn đề nổi cộm trên thế giới trong nhiều năm qua, như vấn đề Tây Tạng của Trung Quốc, Trung Đông hay Triều Tiên, hoặc ngay cả vấn đề biển đảo ở Đông Nam Á…, mà bất cứ độc giả nào đều từng có lần nghe đến. Bất cứ độc giả thành niên nào cũng sẽ tìm thấy vấn đề mình quan tâm cùng những lý giải hấp dẫn trong hơn bốn trăm trang sách.
Tác giả Tim Marshall là nhà báo, nên cuốn sách cũng luận về vị trí địa lý của một số quốc gia và châu lục theo cách báo chí
Ngôn ngữ “thân thiện” với độc giả
Mặt khác, cuốn sách cũng sử dụng một ngôn ngữ có thể gọi là “thân thiện” với độc giả: không thuật ngữ, không những câu cú zích zắc lê thê, không những luận điểm đánh đố. Tim Marshall đã viết về những vấn đề phức tạp nhất bằng một văn phong chẳng thể giản dị và trực tiếp hơn, đưa chúng ta đi thẳng vào cốt lõi vấn đề. Những tù nhân của địa lý không khiến ta cảm thấy mình đang được nghe một giáo sư uyên bác, cho bằng lắng nghe một người bạn trò chuyện về những vấn đề địa lý chi phối chúng ta.
Một yếu tố nữa làm nên sự hấp dẫn của cuốn sách với độc giả đại chúng, là cách mà Tim Marshall triển khai ý tưởng của mình: tất cả các chương được kể giống như một câu chuyện. Lịch sử được đưa vào ở một mức độ vừa đủ, giúp ta có cái nhìn tương đối trật tự về cách địa lý tác động lên vận mệnh của từng quốc gia hay khu vực.
Chẳng hạn, trong chương về nước Mỹ, tác giả đã thuật lại cho ta, theo một lối giản lược, lịch sử hình thành của nước Mỹ như là một cuộc đấu tranh không ngừng để khắc phục những trở ngại địa lý, cũng như khuếch đại các lợi thế của nó. Nước Mỹ vẫn được coi là miền đất hứa đối với hầu hết nhân loại, nhưng nó không nghiễm nhiên có được vị thế, cũng như văn hóa đó. Tim Marshall lần về thời điểm những người châu Âu đầu tiên đổ bộ lên Bắc Mỹ vào thế kỷ 17, rồi dần dà đi theo quá trình nước Mỹ non trẻ mở rộng lãnh thổ của nó, chủ yếu là bằng tiền (mua lại toàn bộ Louisiana từ Pháp năm 1803, mua lại Florida từ Tây Ban Nha năm 1819, có được Texas từ Mexico nhờ tiền, vũ khí và các ý tưởng, mua lại Alaska từ Nga năm 1867). Mỗi sự kiện mở rộng ấy đều được tác giả bình luận ngắn gọn về những lợi ích mà Mỹ có được (Louisiana – bá chủ các tuyến vận tải đường thủy nội địa, Florida – một đường biên giới rõ ràng đến Thái Bình Dương, Alaska – vàng, rất nhiều vàng, và sau này là dầu nữa). Sau khi có được một vị thế bất khả xâm phạm, Mỹ tiếp tục ra khơi để “kiếm tiền” và “đảm bảo việc tiếp cận ba tuyến đường biển duyên hải.”
Kết quả là, để có thể mô tả nước Mỹ, Tim Marshall cho rằng cần hai tấm bản đồ: một bản đồ nước Mỹ quen thuộc, và một bản đồ “thể hiện dấu vết quyền lực địa chính trị của Hoa Kỳ. Tấm bản đồ thứ hai này cho thấy các căn cứ, hải cảng và đường băng”. Một siêu cường có khả năng duy trì hiện diện khắp nơi trên thế giới, điều mà chưa từng đế quốc nào trong quá khứ có được. Toàn bộ lịch sử địa lý ấy của nước Mỹ đã được kể lại một cách ngắn gọn nhưng không hề bớt đi phần duyên dáng trong Những tù nhân của địa lý.
Tất nhiên cuốn sách còn có những điểm chưa hoàn hảo. Được viết bởi một nhà báo chuyên về tin tức đối ngoại, nó sẽ khiến những chuyên gia địa chính trị cảm thấy băn khoăn về một vài lập luận có phần cảm tính, thiếu một hệ thống thuật ngữ chặt chẽ, và nhiều vấn đề bị giản lược quá mức. Song, những nhược điểm ấy lại giúp Những tù nhân của địa lý dễ dàng đến với độc giả đại chúng, như một bước đệm cần thiết trước khi chúng ta quyết định có nên đào sâu hơn vào những vấn đề mà nó bàn đến hay không. Vả lại, cũng không thể phủ nhận rằng cuốn sách đã đem lại cho hầu hết độc giả một cái nhìn tươi mới về địa lý.