Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần vừa được tái bản dưới một dáng vẻ mới, sang trọng hơn – khổ to, bìa áo, màu thời gian, và cũng Trần Dần hơn – tên sách và hình họa đều do Trần Dần vẽ, được họa sĩ thiết kế sắp đặt trong một bố cục đẹp.
Những ngã tư và những cột đèn viết năm 1966, cũng như nhiều tác phẩm của ông hay của nhiều nhà văn cùng thời, có số phận lưu lạc. Đến tận năm 2010, nghĩa là sau 44 năm, tiểu thuyết mới lần đầu tiên bước ra ánh sáng.
Và là một ngỡ ngàng! Thời đó Trần Dần đã có thể viết một tiểu thuyết hấp dẫn, khác biệt, hiện đại đến thế. Tiểu thuyết này, cũng như thơ của ông, cũng như cuộc khai phá ngôn ngữ mà ông nhọc nhằn đeo đuổi giữa đời sống khắc nghiệt, cho thấy một tầm vóc lớn.
Câu chuyện về anh ngụy binh đi tìm một lối thoát cho sự tồn tại của mình, một cuộc đuổi bắt có màu sắc trinh thám, gây nhiều ám ảnh. Nó mang bóng hình cuộc đời Trần Dần, nhưng nó cũng mang bóng hình của nhiều số phận. Ai mà chẳng ít nhiều có lần “bàng hoàng ở những ngã tư”? Đồng thời cuốn tiểu thuyết cũng là một cuộc nhận diện con người, trong một bối cảnh hết sức dị biệt. Luôn có cảm giác như có một chiếc đèn pin rọi chói gắt qua từng khuôn mặt, rọi từ trong họ ra, không bỏ sót đường nét nào, làm hiện lên những méo mó biến dạng, vừa tàn nhẫn mà cũng vừa thương xót.
“Ngã tư láo nháo khói. Ngã tư láo nháo bóng tối với tường cổ. Ngã tư láo nháo gió và lá. Chân đưa tôi sang ngả bên phải. Bên phải đầy những ngã tư và những cột đèn.”
Từ lần in đầu đến nay, tiểu thuyết đã tái bản nhiều lần. Công chúng của Trần Dần vẫn ở đây.
Review của độc giả Nguyen Hoang Dieu Thuy – Nhã Nam reading club