Toàn cầu hóa xoá mờ ranh giới giữa các quốc gia, làm co hẹp khoảng cách địa lý, đẩy nhanh tốc độ biến đổi về cấu trúc kinh tế – chính trị trong quan hệ liên quốc gia, đa quốc gia, kéo theo những chuyển đổi mạnh mẽ về đời sống văn hoá – xã hội của nhân dân khắp thế giới.
Trong thế giới toàn cầu hóa, số lượng công dân toàn cầu – những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, có thể có một hoặc nhiều quốc tịch – tăng lên nhanh chóng. Theo Báo cáo Di dân Thế giới năm 2020 từ Tổ chức Di dân Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IOM), tỉ lệ di dân quốc tế liên tục tăng trong những năm gần đây, ước đoán con số di dân toàn cầu lên đến 272 triệu. Bản dạng hay bản sắc văn hóa bởi vậy mà ít cứng nhắc đi, dần trở nên linh hoạt hơn.
Nhưng để đi từ cứng nhắc đến linh hoạt là cả một quá trình. Và tùy vào mỗi một con người, mỗi một công dân toàn cầu, sẽ có những trải nghiệm, những trăn trở và giằng xé nội tâm rất riêng trong quá trình đó, để đi tìm bản dạng văn hóa của chính mình, để trả lời cho câu hỏi “Bạn là ai? Điều gì làm nên bạn?”
“Nguồn cội” của Đan Thy là đôi mắt từ bên trong cộng đồng, là cảm xúc cá nhân tự thể nghiệm nhưng cũng là câu chuyện của những cuộc đời tương đồng khác.
Tác phẩm là tiếng nói của một bản dạng văn hóa linh hoạt, đã từng phẫn nộ, đã từng chênh vênh, đã từng lạc lõng… và bây giờ cô đã tìm được bình yên và niềm kiêu hãnh cho bản sắc cá nhân của riêng mình.
“Khi người ta hỏi tôi từ đâu đến, tôi nói sự thật, “Tôi sinh ở Việt Nam rồi chuyển đến đây lúc đang học cấp hai. Vậy nên tôi đến từ cả hai nơi – Sài Gòn và Houston.” Tôi tự hào vì mình có hai căn tính. Tôi trân trọng sự khác biệt và đa dạng trong mình. Tôi thấy chỉ nhận mình là người Việt hoặc người Mỹ là không đúng. Tôi chẳng là gì cả, đồng thời tôi lại là cả hai. Tôi là sự pha trộn của những mảnh ghép, tôi là tôi.
Tôi là Nguyễn Đan Thy và tôi cũng là Tee Win, một chút Việt, một chút Mỹ, thoải mái mở bất cứ cánh cửa nào.”
Xét một cách khách quan, từ nội dung đến ngôn từ, “Nguồn cội” của Nguyễn Đan Thy không quá xuất sắc, cũng không thực sự cuốn hút. Nhưng tác phẩm là tiếng nói thiết tha khơi gợi ý thức về sự giao thoa văn hóa, đồng thời khích lệ mọi người trân trọng và ca tụng sự khác biệt, để mỗi người cảm thấy tự hào về chính màu da của mình. Vì vậy, “Nguồn cội” có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh.