Review sách: NGƯỜI TRUYỀN KÝ ỨC – Lois Lowry

Chủ Nhật, 24/09/2023

Điều tồi tệ nhất của việc cất giữ những ký ức không phải là các nỗi đau, mà chính là nỗi cô đơn. Ký ức cần được chia sẻ.

Đã bao giờ bạn ao ước được sống trong một thế giới không hề có , bệnh tật, đói nghèo… hay chưa? Có bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi với những lựa chọn mình phải đưa ra mỗi ngày hay không? Nếu câu trả lời của bạn là “Có” thì mình tin chắc rằng Cộng Đồng được Lowry xây dựng trong “Người truyền ký ức” hẳn phải là mơ ước của rất nhiều người. Ở trong Cộng Đồng đó, mọi yếu tố gây bất lợi cho con người như thiên tai, bệnh tật đều đã được loại bỏ. Nơi đây đã trải qua thời kì Đồng Nhất: cuộc đời mỗi cá nhân từ khi sinh ra đến lúc lớn lên đều được Hội Đồng định đoạt, không cần phải lựa chọn. Những đứa trẻ do Mẹ đẻ sinh ra, được chăm sóc rồi đưa đến từng tổ gia đình, được học tập, đến năm mười hai tuổi thì được phân công cho 1 Nhiệm vụ phù hợp với khả năng, rồi được Hội Đồng tìm kiếm cho Bạn đời, sau đó được nhận nuôi con, đến khi già đi thì được đưa đến nhà Dưỡng lão. Cuộc đời của Jonas có lẽ cũng sẽ như thế nếu cậu không được lựa chọn để trở thành Người tiếp nhận ký ức. Từ đây, cậu bắt đầu tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt với người tiền nhiệm của mình. Trải qua biết bao ngỡ ngàng, thấu hiểu rồi đau đớn, sau tất cả, cậu bé đã quyết định sẽ chạy trốn khỏi Cộng- Đồng- hoàn- hảo- ấy!

REVIEW “NGƯỜI TRUYỀN KÝ ỨC” – LOIS LOWRY

Tại sao lại phải chạy trốn, đó chẳng phải là cuộc sống mà ai cũng mong mỏi sao? Câu trả lời nằm trong chính cái cách mà Cộng Đồng ấy tồn tại và vận hành. Thử nghĩ mà xem, sẽ ra sao nếu cuộc đời của mỗi con người được lập trình sẵn và tiến hành trơn tru như một chương trình máy tính? Sẽ ra sao nếu chúng ta chẳng bao giờ phải đưa ra những lựa chọn, chỉ đơn giản là nghe theo sự sắp đặt của người khác? Thì xã hội sẽ ổn định hơn, đời sống sẽ được nâng cao hơn, con người cũng không còn phải chịu cảm giác thất vọng, đau đớn vì những lựa chọn sai lầm. Nghe thật tuyệt phải không? Nhưng như một lẽ tất yếu, được cái này phải mất cái kia. Trong Cộng Đồng ấy cũng vậy, người ta chấp nhận loại bỏ đi những cảm xúc, tình cảm, để rồi dùng lí trí gò ép tất cả theo một trật tự hoàn hảo nhất. Mỗi người đều cư xử thật lịch sự, không bao giờ hỏi những câu khiếm nhã, từ ngữ nói ra phải thật chuẩn xác. Mọi cảm xúc đều phải được gọi thành tên một cách rõ ràng, buồn phải nói là buồn, vui phải nói là vui. Và những rung động mơ hồ dường như không hề tồn tại, nếu có cũng sẽ được theo dõi và “điều trị” ngay lập tức. Nơi đây cũng không hề có màu sắc, tất cả chỉ là trắng và đen, âm nhạc không có, ánh nắng cũng không… Đó có thật là cuộc sống mà con người ao ước, khi mà tất cả đều bị đồng nhất, không còn những trải nghiệm cảm xúc, cũng chẳng còn những đặc sắc cá nhân, người ta thậm chí có thể giết người mà không hề cảm thấy sợ hãi, hối hận hay day dứt?

Nếu ngay từ khi sinh ra, mắt đã quen hai màu đen trắng, tai chưa từng được nghe qua tiếng nhạc du dương, mỗi việc làm, hành vi đều tuân thủ một trật tự nghiêm khắc thì có lẽ, Cộng Đồng ấy quá hoàn hảo để sống! Nhưng với Jonas thì mọi việc khác hẳn. Tiếp nhận những ký ức từ Người Truyền Thụ – đó không chỉ là việc được chứng kiến những hình ảnh đã từng xảy ra, mà còn là sự cảm nhận không gian, thời gian xung quanh bằng tất cả các giác quan. Lần đầu tiên, Jonas được cảm nhận sự ấm áp của ánh nắng mơn man da thịt, được đắm chìm trong thứ âm thanh du dương gọi là âm nhạc… Lần đầu tiên cậu được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc mà không một từ ngữ nào có thể miêu tả chính xác… Và cũng là lần đầu tiên, cậu biết đến chiến tranh, cái đói, cái nghèo, sự chết chóc, những nỗi đau không chỉ của thể xác, mà còn là đau đớn về tinh thần… Nhưng không vì thế mà Jonas e sợ những ký ức. Nhờ có chúng cậu mới biết thảm cỏ công viên, khóm hoa ven đường, bầu trời trên cao thì ra đẹp đẽ đến thế. Cuộc sống của một người thì ra không chỉ có trắng – đen, đúng – sai, vui – buồn,… mà còn có vô vàn những trạng thái lửng lơ ở giữa. Từng được tiếp xúc, được biết đến những điều đặc biệt ấy, đối với Jonas, sự “hoàn hảo” nơi Cộng Đồng bỗng chốc trở nên thật ngột ngạt. Dẫu biết dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Hội Đồng, sẽ không có ai còn bị đói, thất nghiệp hay vô gia cư, nhưng vẫn có một cái gì đấy lợn cợn, khiến cậu bé Jonas chẳng thể nào chấp nhận thế giới mà cậu đang sống!

Có một chi tiết mà mình thích vô cùng: lần đầu tiên Jonas tự mình nhìn thấy màu sắc. Đó là màu đỏ của quả táo chín mọng, là màu đỏ trên mái tóc của Fiona. Tại sao lại là màu đỏ mà không phải là một màu sắc nào khác? Với mình, tác giả xây dựng chi tiết này vô cùng tinh tế. Việc Jonas nhìn thấy quả táo màu đỏ trước tiên, cũng giống như việc Adam và Eva ăn Trái Cấm vậy, đã trở thành chiếc chìa khóa mở tung những xúc cảm mới mẻ trong cậu. Nó đánh dấu cho lần đầu tiên cậu tự mình nhìn thấy được màu sắc chứ không phải thông qua những ký ức xa xưa. Đó sẽ là ký ức của riêng cậu, do cậu trải nghiệm mà có. Còn với Fiona, màu đỏ trên mái tóc cô khiến cậu bối rối, và những cảm xúc lạ lẫm bắt đầu len lỏi trong cậu. Cậu bé biết đó chính là “rung động”, là tiền đề cho thứ cảm xúc đẹp đẽ được gọi là Tình Yêu, nên cậu đã lén đổ bỏ đi những viên thuốc “điều trị rung động” được phát cho vào mỗi buổi sáng. Bản thân Jonas, có lẽ cũng muốn được một lần sống đúng với những cảm xúc của mình, được là chính mình..

Càng đọc, càng dõi theo hành trình trưởng thành của Jonas, mình càng thấm thía hơn, rằng hoàn hảo đồng thời cũng là khuyết thiếu ra sao. Và rằng những ký ức, nếu không được chia sẻ, sẽ trở thành gánh nặng đau đớn đè nén lên những người mang chúng… Chỉ với hơn 200 trang sách ngắn ngủi, giọng văn giàu tưởng tượng mà rất tự nhiên, Lois Lowry đưa người đọc đến với một thế giới vừa thân quen vừa lạ lẫm. Đắm chìm trong thế giới ấy để rồi trở về với thực tại, mình cảm thấy thật may mắn. Thế giới mình đang sống có thể còn nhiều khó khăn nhưng ít nhất mình vẫn được thưởng thức âm nhạc, được chiêm ngưỡng cuộc sống với tất cả vẻ đẹp muôn hình vạn sắc của nó. Nếu bắt bạn từ bỏ hết thảy những ký ức, tình cảm, đam mê để đổi lại một vị trí trong Cộng Đồng của Jonas, bạn có sẵn sàng không?

Instagram: @skythienbinh