Khi bắt đầu đọc câu chuyện này, cảm giác được sự mệt mỏi. Vì những câu từ cuồn cuộn từ nội tâm, không theo một quy chuẩn định sẵn. Với dạng sách kiểu này, có lẽ như người ta hay nói, hàn lâm. Không thể ngay lập tức khiến cho người ta chìm đắm. Thế nhưng có thể dẫn dắt. “Người tình”, hoàn toàn là diễn biến nội tâm của cô gái Pháp mười lăm tuổi. Của Duras khi nhìn lại cô gái mười lăm tuổi đó. Viết nhiều về gia đình. Về những cô gái. Và mối tình với một người đàn ông gốc Hoa.
Mười lăm tuổi rưỡi. Một cô gái người Pháp, gia đình đông người. Bố đã mất. Cả nhà rơi vào cảnh túng quẫn. Người mẹ không bình thường, luôn có một sự kì vọng đến tuyệt vọng vào những đứa con. Một người anh cả mang khuynh hướng bạo lực. Người anh thứ yếu ớt. Nhưng lại là người cô yêu mến. Cô nói, kể từ khi anh út chết, mối liên hệ giữa cô và gia đình bị cắt đứt. Không muốn gặp lại mẹ và anh cả nữa.
Người đàn ông gốc Hoa. Anh lớn hơn cô nhiều tuổi. Giàu có, nhưng yếu ớt và tuyệt vọng. Anh gặp cô khi cô mười lăm tuổi. Có lẽ là, yêu cô ngay lập tức.
Trong cuốn sách này, Duras không chỉ viết về chuyện của hai người, mà còn viết về những gì xung quanh, cũng viết nhiều về gia đình của cô gái. Cảm giác như “Người tình” là một cuốn nhật kí. Nó lộn xộn, không có quy chuẩn. Nó lên xuống theo nhịp vận động của cảm xúc. Có lúc dồn dập, có lúc lại bình thản.
Khi miêu tả hai người với nhau, nhiều nhất là khi họ làm tình.
Địa điểm luôn là căn hộ độc thân ở Chợ Lớn. Anh ôm lấy thân thể trẻ thơ của cô. Lần đầu tiên, vừa khóc vừa nói yêu cô. Nói rằng mình sẽ yêu cô cho đến chết. Đến lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, tình cảm tuyệt vọng và nỗi sợ hãi của anh dần khiến anh trở nên câm lặng. Cho đến những lần cuối, hai người dường như không còn nói gì với nhau nữa.
Họ chỉ làm tình.
Cô gái mười lăm tuổi người Pháp, lại có một nội tâm quyết đoán và mạnh mẽ đến như vậy. Cô không giấu giếm. Tỏ rõ thái độ rằng mình sẽ không yêu anh, cũng có thể rời đi bất cứ khi nào. Đứng trước cô, cảm thấy anh còn rất thơ ngây và yếu ớt. Bọn họ đối lập nhau. Hoàn toàn không có tương thích tâm hồn nào. Vì thế chỉ có thể dùng tình dục để khoả lấp cảm giác bất an.
Ấm áp trên thịt da, thay cho ấm áp có thể cảm nhận ở trong lòng.
Cô độc và tuyệt vọng bủa vây họ. Không một ai có thể thoát ra. Tình yêu đày đoạ anh, trở thành một gánh nặng. Nhưng mà lúc đó, vẫn là sự bình thản của cô.
Sau này, một con tàu đưa cô trở về Pháp. Bọn họ không nói tạm biệt. Chiếc xe của anh đỗ đằng xa. Anh không xuống xe, chỉ ngồi ở trong đó. Cô khóc trên tàu. Cũng như khi cô khóc ở căn hộ tại Chợ Lớn. Khóc ở nơi bí mật chỉ của cô và anh.
Rất nhiều năm sau, cô nhận được một cuộc điện thoại. Anh vẫn ngập ngừng và yếu ớt. Đầy e sợ. Song, anh nói. Anh vẫn yêu cô. Rằng anh không bao giờ ngừng yêu cô được. Anh sẽ yêu cô cho đến chết.
“Người tình” của Duras được viết trong bối cảnh khi Việt Nam vẫn còn là thuộc địa và là một phần của Đông Dương. Ngôn từ của Marguerite Duras rất khó nắm bắt. Thành thực mà nói, phần lớn, mình không thích chúng. Cũng như khi mình không thích hợp với dòng văn lãng mạn Pháp. Nó trải dài, lan man, đôi khi như không có mục đích. Chỉ đơn thuần là viết. Cứ viết ra mà thôi. Trong “Người tình” thì chính xác là như vậy. Không gian và thời gian thay đổi liên tục, ngôi kể cũng vậy, đôi khi bất ngờ và ngắt quãng. Tuy thế, không phủ nhận được rằng, những đoạn viết về cô gái và người đàn ông khiến mình như chìm đắm.
Tác phẩm này không mỹ miều với vẻ đẹp quyến rũ tuyệt đối giống như tiêu đề “người tình” của nó. Cảm thấy sự điên cuồng và cô độc chảy trong từng câu chữ. Sự tỉnh táo và mù quáng. Đau đớn và tuyệt vọng. Tất cả những nhân vật được đề cập trong cuôn sách này đều như vậy. Kể cả bà mẹ, cậu anh trai cả, người anh út, cô gái, và người tình Trung Quốc của cô.
Tình yêu của người đàn ông dành cho cô gái rất sâu đậm. Nhưng sự biểu lộ của anh lại không đạt được kết quả như ý. Họ không thể thay đổi bất cứ điều gì. Anh không thể chiếm giữ cô, còn cô vẫn cứ đi. Duyên phận giữa họ bị đặt xuống một dấu chấm hết. Nhưng tình yêu, thì cứ vẫn mãi là những dấu ba chấm mà thôi.
Btw,
Nếu như hỏi mình có đọc lại cuốn này không, thì thành thực mà nói là sẽ không. Một trong số những lí do là, gia đình người Pháp. Họ khiến mình khó chịu. Nếu như đọc “Người tình”, cậu sẽ biết lí do vì sao. Tình thương là một cái gì đó rất mơ hồ và điên rồ. Mình không thích điều này. Ngay cả cách những thành viên trong gia đình đối xử với nhau cũng rất khác lạ và mù quáng. Thế giới trong “Người tình” khác hẳn với những thế giới khác, nó vượt qua cả quy chuẩn thông thường, đào sâu đến tận gốc rễ của tâm hồn và khoái lạc thể xác của con người.