Review sách: NGƯỜI ĐUA DIỀU – Khaled Hosseini

Thứ Bảy, 16/09/2023

Nhắc đến  là ta nói về nhà văn  gốc Afghanistan, người viết lên những tác phẩm khiến cho trái tim ta đau đớn và cảm xúc của ta cuộc trào. Nhắc đến Khaled Hosseini, ta nhớ đến tiểu thuyết đầu tay đã làm say mê hàng triệu độc giả từ khắp nơi trên thế giới -“Người đua diều”. Như nhận định của The New York Times book Reviews, đó là “ Cuốn sách mãnh liệt bậc nhất -kể lại câu chuyện về những điều tàn bạo khủng khiếp và một tình yêu mãnh liệt chưa được đền đáp. “

Người đua diều là câu chuyện của Amir với quá khứ tội lỗi, một sai lầm chưa bao giờ dám thừa nhận và một hành trình quay trở lại mảnh đất nơi mình sinh ra để chuộc tội.

Amir, một cậu ấm quý tộc ra đời trong những năm tháng bình yên cuối cùng của nền quân chủ, trước khi cách mạng nổ ra và đất nước cậu bị người  kiểm soát.

Ngày cậu sinh ra cũng là lúc mẹ cậu từ giã thế gian. Cậu được Baba giàu có thuê cho một người vú nuôi người Haraza. Cậu lớn lên trong giàu sang đầy đủ của vật chất nhưng trong lòng luôn canh cánh lo lắng khát khao tình thương từ Baba. Cậu cảm thấy bản thân mình như một  tội đồ khi mà cuộc sống của cậu được đổi bằng chính mạng sống của mẹ mình. Cậu nhận ra mình không thể trở thành một đứa con trai thực thụ như Baba mong muốn. Thậm chí, cậu ghen tị với chính người bạn, người anh em Hassan về sự ưu ái mà Baba dành cho cậu bé nghèo.

Hassan, con trai của bác giúp việc Ali, sống trong một túp lều nhỏ tường đất khiêm tốn ở đầu phía Nam của khu vườn nhà Amir. Một tuần sau sinh,mẹ Hassan cũng bỏ đi để lại đứa con đỏ hỏn cần người chăm sóc. Baba đã thuê chính bà vú cho Amir bú để nuôi Hassan.

Chính từ đó, một tình bạn, tình anh em đã được hình thành trong hai đứa trẻ cùng bú chung một bầu vú.

Nhưng cái tình anh em, tình bạn tưởng chừng như bền chặt khăng khít từ hồi  bé trong mỗi người là khác nhau.

Nếu như, Hassan coi Amir là một người bạn tốt nhất đời mình, luôn luôn chăm sóc, bảo vệ yêu mến cậu với một niềm trung thành tuyệt đối thì tôi nghi nhờ Amir chưa từng coi Hassan là một người bạn đích thực. Dù có thể đồng hành cùng nhau cả mùa hè nóng nực hay chia sẻ với nhau hơi ấm của chiếc lò gang trong mùa đông rét mướt, dù khoái chí cười hinh hích cùng nhau sau một trò nghịch ngợm của trẻ thơ hay chia sẻ với nhau những ước mơ của mình, Amir chưa một lần gọi Hassan chơi cùng với đám bạn của cậu. Phải chăng, Hassan dù có tốt và tận tâm thế nào vẫn không bao giờ được Amir thực sự trân trọng.

Và cái tình bạn tưởng chừng như bền chặt nhưng thực ra đã có mầm mống của những nhỏ nhen nghi ngờ ấy bị thử thách. Một lần khi đi ra ngoài, Amir đã bị Assef, một tên con lai to con chuyên đi bắt nạt lũ bạn yếu thế, bao vây đe doạ. Chính lúc đó, Hassan đã dũng cảm cứu Amir. Nhưng Assef đâu dễ bỏ qua, hắn nói “ Tao là một con người rất kiên nhẫn. Việc này chưa xong hôm nay đâu, tin tao đi”.

Rồi cái ngày ấy cũng đến. Nó đến mà không ai có thể lường trước. Nó đến khi Amir hân hoan trở thành người chiến thắng trong cuộc đấu diều hàng năm -Cuối cùng cũng sẽ đến lúc cậu nhận được cái ôm chân thành, niềm tự hào trong ánh mắt của Baba mà cậu ngày đêm ao ước. Nó đến sau khi Hassan, người đua diều môi hẻ cự phách biến mất sau khúc ngoặt cuối phố cùng câu nói vang vọng lại: “ vì cậu, cả ngàn lần rồi”. Ở Afghan, người ta không thả diều, người ta đua diều. Thi đấu diều là một truyền thống mùa đông lâu đời ở Afghanistan. Con diều nào trụ lại cuối cùng trên bầu trời sau cuộc thi đấu, đó là người chiến thắng. Amir đã là người chiến thắng. Nhưng đối với những người đấu diều, giải thưởng đáng thèm muốn nhất là chiếc diều cuối cùng bị rơi của cuộc đấu mùa đông đó. Nó là một giải thưởng của danh dự, một cái gì đó để trưng khiến người khác phải trầm trồ. Phần này thuộc về người phụ tá Hassan. Tôi và cả Amir đều chắc cậu sẽ luôn xuất sắc như mọi lần, đoán biết một cách chính xác điểm rơi của con diều xanh bị đánh bại rồi mang về cho người bạn của mình. Nhưng, không ai có thể ngờ, cuối chặng đường tưởng vinh quang mà lại mang đến cho con người ta nhiều đau thương đến vậy. Assef đã chặn đường và sẽ chỉ thả Hassan khi cậu đồng ý dao lại con diều xanh. Nhưng cậu bé của chúng ta không bao giờ chịu khuất phục. Vậy là chúng làm nhục cậu. Giây phút đau thương ấy, tôi ước giá có ai biết, giá có ai kịp đến để ngăn chặn lại cái hành động kinh tởm và đớn hèn của bạn Assef. Nhưng không, không một ai xuất hiện, chỉ có một Amir câm lặng chứng kiến tất cả trong sợ hãi, hèn nhát và sau đó vờ như không biết gì.

Những ngày tháng sau đó, một Hassan bị tổn thương và một Amir không dám nhìn vào sự thật đã dần rời xa nhau. Thế rồi một ngày, không dám tiếp tục sống trong ân hận và dày vò, Amir đã làm một hành động tội lỗi khiến Hassan và cha cậu rời bỏ ngôi nhà mãi mãi.

Liệu khi không còn thấy Hassan nữa, Amir có thanh thản? Câu trả lời là không. Trong những ngày tháng cuối cùng ở lại Afghan hay ngay cả khi đã bình yên trên đất Mỹ, bóng hình Hassan, câu nói “vì cậu cả ngàn lần rồi” trong trẻo hay lời Baba nói trong một lần trò chuyện vẫn luôn đeo đẳng cậu:

“Có duy nhất một tội, một tội thôi. Đó là tôi ăn cắp. Mọi tội khác đều là biến thái của tôi ăn cắp.

Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời- Baba nói. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng.

Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp, Amir ạ”.

Đến một ngày mùa hè, sau 26 năm lưu lạc trên đất Mỹ, Hassan nhận được cú điện thoại của chú Rahim muốn gặp cậu. Chú Rahim hay chính tội lỗi chưa một lần được chuộc lại đang gọi cậu về mảnh đất nơi mình sinh ra một lần nữa, để đối mặt, để chuộc lại lỗi lầm.

Liệu mọi chuyện có như Rahim Khan nói: “luôn có một con đường để tốt lành trở lại”?????

—————————

Tôi khép lại những trang cuối cùng của cuốn sách với những cảm xúc xáo trộn: Có đau thương, có giận dữ, có trăn trở, có vị tha. Cảm ơn Khaled Hosseini đã tạo ra một tác phẩm tuyệt vời đến vậy với tất cả niềm yêu thương trăn trở về mảnh đất ông được sinh ra – Afghanistan.

Review của độc giả Diep Anh – Nhã Nam reading club