Mình từng đọc Người đua diều và hy vọng hôm nào đó có thể đọc được thêm một tác phẩm tương tự như vậy nữa. Đấy là lý do mình tìm mua Ngàn mặt trời rực rỡ ngay khi biết Khaled Hoseini chính là tác giả.
Với bối cảnh là đất nước Afghanistan – nơi những mảnh đời đau khổ bị chôn vùi bởi chiến tranh, bệnh tật, đói nghèo… Cô gái Mariam ra đời trong thân phận của một Harami, từ chỉ những đứa con hoang, là kẻ sinh ra ngoài ý muốn, kẻ không được pháp luật công nhận và không xứng đáng có được mái ấm. Mặc dù có một người cha giàu có, nhưng Mariam luôn bị chối bỏ trong thế giới của ông. Khi các anh chị em cùng cha khác mẹ của cô được lớn lên trong nhung lụa, sống trong nhà cùng cha, được đi học đại học, thì Mariam lại chẳng có gì. Ở tuổi mười lăm, chỉ ít ngày sau cái chết đầy hối tiếc của mẹ Nana, Mariam bị ép phải lấy chồng nơi xa. Kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi, goá vợ, thậm chí còn chẳng hề biết mặt. Dường như tội lỗi duy nhất của Mariam là được sinh ra trên đời này, và cô đã bị kết án.
Trái ngược với Mariam, Laila được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, với người bố luôn yêu chiều cô hết mực. Nhưng bom đạn của chiến tranh lần lượt mang đi những người yêu thương của cô. Và rồi cô gái ấy ở tuổi mười bốn, không một nơi nương tựa, phải trở thành vợ hai của Rasheed, kẻ mà mười tám năm trước đây đã kết hôn với Mariam. Cô đâu biết gã đàn ông ấy là một kẻ vũ phu, tàn nhẫn nhường nào.
Laila giống như ánh mặt trời rực rỡ bao phủ lấy cuộc đời tăm tối của Mariam. Là lần đầu tiên trong cuộc đời, có ai đó sẵn sàng đứng ra bảo vệ bà, chặn ngang trước cú đánh như trời giáng của Rasheed. Mình chưa từng nghĩ đến ở một nơi nào đó, bạo lực gia đình lại có thể tàn nhẫn như vậy. Hoặc ở đâu đó có những người phụ nữ đang lặng thầm hiến dâng cả tuổi trẻ cho những yêu cầu, cho những nhẫn tâm, nhỏ nhen của chồng mình, chẳng để đòi hỏi lấy một điều gì. Người phụ nữ nhỏ bé ấy nhận lấy vô vàn sự thô bạo, những trận đòn quen thuộc đến nỗi chẳng có lấy một tiếng la hét hay lời van xin. Để rồi có lúc Mariam đã tự hỏi, liệu bà có phải là một người vợ dối trá? Một người vợ tự mãn? Một người đàn bà hèn hạ? Xấu xa? Tầm thường? Tội nghiệt nào khiến bà phải chịu những cơn hành hạ như vậy.
Thật buồn khi nghĩ rằng cuộc sống này rất công bằng, nhưng đa phần thời gian nó lại quá tàn nhẫn với Mariam. Đã có những khoảnh khắc, bà hồi tưởng về ngày còn thơ bé, trước khi biết đến những đau khổ. Ngày mà Mariam, với làn da mịn màng, mái tóc trải dài gọn gàng, và hàm răng hẵng còn nguyên vẹn. Đang không ngừng nuôi hy vọng được trở thành một trong những người con thực sự của cha mình, chứ không phải là một Harami hèn kém bị hắt hủi. Nhưng bà mãi đâu biết được rằng, người cha ấy trong những năm tháng cuối đời, đã rất muốn xin bà tha thứ, đã muốn gặp lại bà biết bao trong căn nhà của ông. Đã tha thiết cầu xin Thượng đế ban cho bà thật nhiều hạnh phúc và bình yên. Có những truyện mà người ta chỉ cảm thấy thực sự hối hận khi nó đã xảy ra và không thể nào cứu vãn được nữa.
Mình sẽ trích một đoạn siêu hay mà mình đã đọc lại rất nhiều lần trong Ngàn mặt trời rực rỡ:
Laila nhìn Mariam gắn những sợi rễ khoai lên đầu con búp bê. Mấy năm sau, cô gái bé nhỏ này sẽ trở thành một người đàn bà, sẽ chỉ có những nhu cầu nhỏ nhặt trong cuộc sống, người không bao giờ làm nặng gánh người khác, người không bao giờ để lộ ra rằng mình cũng từng có những nỗi đau buồn, thất vọng, những giấc mơ đã bị đem ra chế nhạo. Người đàn bà ấy như một tảng đá dưới lòng suối, chịu đựng tất cả mà không một lời ta thán, lòng khoan dung của bà không bị bào mòn mà được định hình sau từng dòng nước xiết chảy qua đời bà. Laila đã nhìn thấy phía sau đôi mắt của cô gái trẻ, sâu thẳm bên trong cô, một cái gì đó mà cả Rasheed hay Taliban đều không thể phá huỷ. Một cái gì đó cứng chắc như những khối đá vôi. Một điều gì đó cuối cùng sẽ giải phóng chính bà và cứu rỗi Laila.