Review sách: NGÀN MẶT TRỜI RỰC RỠ – Khaled Hosseini

Chủ Nhật, 24/09/2023

“Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ về hướng Bắc, ngón tay buộc tội của đàn ông luôn hướng về phụ nữ “.

Những lời mà mẹ của mẹ Mariam nói với cô không chỉ bởi vì cô là một harami – một đứa con hoang- mà còn bởi vì đó là số phận của hàng triệu phụ nữ Afghanistan đang sống trong một đất nước hà khắc về tôn giáo, nhiễu loạn về chính trị. Tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ về “lời tiên tri” đó khi từng bước chứng kiến cô gái nhỏ đầy lòng nhiệt thành với cuộc sống mất hết tất cả những thứ ít ỏi cô sở hữu : một người mẹ bị cuộc đời làm cho cay nghiệt nhưng ẩn chứa sau đó một trái tim khao khát yêu thương, một căn kolba tạm bợ nhưng là cả thế giới mà cô biết và trên hết là một người cha dù ruồng rẫy mẹ cô nhưng chưa bao giờ làm cô thôi ngưỡng mộ, coi ông là lẽ sống. Rồi chính người cha đó, dưới áp lực vô hình của đạo đức nhằm gìn giữ cái thanh danh mà sau này trải qua hết biến động của thời cuộc ông cảm thấy chẳng đáng một xu ấy đã tát một cú thức tỉnh vào cô gái nhỏ. Tôi thấy được sự thất vọng, nỗi đau đớn, buông xuôi của Mariam khi phải lấy Rasheed, một gã đàn ông thô kệch, góa vợ mất con và trên hết là hơn cô cả vài chục tuổi. Ở Afghanistan, cha mẹ sẵn sàng bán đổ bán tháo con gái cho bất kì một người đàn ông nào kể cả đó là một tên nghiện hút, một kẻ tội đồ …và sau đó.. lạy thánh Allah phù hộ cho cô ấy!

Nếu đã từng đọc qua “Người đua diều” bạn sẽ thấy những nhân vật trong tác phẩm của Khaled Hosseini không hoàn toàn đáng thương hay đáng trách. Tôi thậm chí đã từng nghĩ Rasheed không đến nỗi đáng ghét thậm chí còn khá tử tế với Mariam trong một khoảng thời gian nào đó. Nhưng con số 90% phụ nữ Afghanistan đã từng chịu ít nhất một lần bị bạo hành và lạm dụng về thể xác lẫn tinh thần không phải là một con số hữu danh vô thực. Những người phụ nữ yếu đuối suốt ngày phải khoác lên mình những tấm áo choàng đen, đi đâu cũng phải có một người đàn ông đi kèm, không được học hành, không được  luật bảo vệ, không có tiếng nói lẫn cả quyền được phản kháng có thể làm gì ngoài chịu đựng. Nếu không phải là công cụ phát tiết, cỗ máy sinh đẻ, người hầu không công thì tôi chẳng nghĩ lý do gì mà những người đàn ông như Rasheed cần một người vợ. Và dường như ông trời còn cảm thấy những điều đó chưa đủ tồi tệ nên Mariam còn chẳng có khả năng có những đứa con của riêng mình. Cô sống lặng lẽ như một bóng ma đến nỗi tôi phải nghĩ có khi nào cô mắc hội chứng Stockholm – hội chứng những người phụ nữ bị bạo hành lâu ngày đến nỗi nảy sinh  phụ thuộc vào kẻ đã bạo hành mình, dù cho tiền họ cũng không dám bỏ trốn.

Khác với “Người đua diều” là một tác phẩm viết về tình cha con, “Ngàn mặt trời rực rỡ” lại là câu chuyện về tình mẹ con. Laila đã đến với cuộc đời Mariam bằng một mối nhân duyên hay nghiệt duyên chính tôi cũng cảm thấy mơ hồ. Thật kì lạ trong khi Mariam, một đứa con hoang bị hắt hủi và Laila một cô gái xinh đẹp sinh trưởng trong một gia đình trung lưu học thức lại bị số phận đưa đẩy. Họ trở thành vợ của cùng một người đàn ông, cùng cố gắng sinh con cho hắn và cùng hứng chịu những cơn thịnh nộ vô cớ. Tôi chưa bao giờ thấy một cô gái Hồi giáo nào có những việc làm táo bạo, quyết định cứng rắn và suy nghĩ thoát ly như Laila. Cô chính là đốm tro tàn thổi bùng ngọn lửa yêu thương trong Mariam đến độ từ lúc nào tôi thấy Mariam trở lại. Từ lúc nào tôi thấy dáng dấp của một người mẹ trong Mariam. Cái cách Mariam chăm sóc, dạy dỗ, lo lắng cho Laila và những đứa trẻ của cô ấy y hệt như một người mẹ, một người bà. Và bạn biết không? Một người mẹ có thể chết vì con của mình.

Tôi đã khóc trong tức tưởi không chỉ vì thương cảm cho số phận hèn mọn của cô và hàng triệu người phụ nữ Afghanistan khác mà còn bởi lẽ lần đầu tiên họ dám đứng lên bảo vệ bản thân một cách chính đáng lại chính là đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của mình. Tôi không cổ suý cho việc dùng bạo lực để đáp trả bạo lực. Tôi chỉ muốn ít ra họ có cơ hội bào chữa cho bản thân, lý do tại sao họ lại làm ra tội ác khủng khiếp đó. Đó chính là sự nhân đạo của luật pháp. Nhưng luật pháp -từ mà Laila cảm thấy ghê tởm sau lần cô và Mariam bỏ trốn bất thành được  sinh ra ở đất nước này  để bảo vệ cho đàn ông, những người vốn đã được Thượng Đế ưu ái. Có cần đến nó nữa không khi “Một người đàn ông làm gì ở nhà là việc của ông ta” còn một người phụ nữ chẳng cần làm gì mà vẫn bị đánh chết ở nhà hay giữa đường.

REVIEW SÁCH “NGÀN MẶT TRỜI RỰC RỠ” – Khaled Hosseini

Tôi tự nghĩ những người phụ nữ đó đã làm gì? Lẽ nào họ là một ” người vợ dối trá, một người vợ tự mãn? Một người đàn bà hèn hạ? Xấu xa? Tầm thường?” Họ đã không chăm sóc cho chồng lúc ốm đau, không nấu đồ ăn cho chồng và bạn bè của anh ta? Không dọn dẹp cho anh ta một cách tận tụy? Không dâng hiến tuổi thanh xuân của mình? Lẽ nào với tất cả sự kiềm chế, hy sinh và cố gắng đó đổi lại chỉ là những đòn roi, sỉ nhục.

Mariam chết mà không có nổi một mộ phần nhưng điều đó không quan trọng bằng việc đã từ lâu cô chiếm một góc trong trái tim của những người cô yêu thương và yêu thương cô. Cô toả sáng như ánh dương của “ngàn mặt trời rực rỡ “.Cô sống mãi trong những bài cầu nguyện buổi sáng, trong những lời hát ru mỗi tối. Hơn hết nhờ cô mà sau bao nhiêu năm, Laila đã có thể vén bức mạng che mặt của mình lên để cho những người phụ nữ Afghanistan thấy những quyền cơ bản của một con người , được làm việc, được yêu thương, được cống hiến cho sự hồi sinh của đất nước Afghanistan đã từng đẹp như tranh và thi vị như .

” Không ai có thể đếm hết được bao nhiêu mặt trăng toả sáng trên những mái ngói của nàng.

Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng”

Review của độc giả Mộc Miên – Nhã Nam reading club