Một buổi chiều đẹp trời, mình bỗng nhìn thấy cuốn sách này trên giá sách Nhã Nam ở Nguyễn Quý Đức. Vốn đã đọc xong “Người đua diều” của Khaled Hosseini, mình mua luôn mà không hề do dự. Và đúng là, cuốn sách không hề làm mình thất vọng. Một câu chuyện về 2 người phụ nữ trong 1 xã hội đầy hà khắc, ngập tràn những bất công, nhưng rốt cuộc, đến cuối cùng cả 2 đều tìm thấy cho mình 1 “cái kết có hậu”.
Điều đọng lại trong mình khi đọc xong, đó chính là Mariam- “mặt trời rực rỡ nhất” trong cuốn sách này. Phải, là mặt trời rực rỡ nhất, nhưng tuổi thơ và số phận của Mariam lại đầy rẫy những bất hạnh. Chính mắt cô đã trông thấy mẹ mình treo cổ tự kết thúc cuộc đời này, đó là 1 nỗi niềm dằn vặt Mariam trong suốt quãng đời sau này. Chính từ cái chết của Nana đã biến cuộc đời của Mariam rẽ theo hướng hoàn toàn khác. Sống vời 1 người chồng vũ phu, bạo lực, gia trưởng, 1 chế độ Taliban trọng nam khinh nữ, cuộc sống đó không khác gì địa ngục. Luôn bị chồng đánh đập, quát mắng, thậm chí còn bị bắt nhai cả sỏi đến mức miệng bật máu nhưng không vì thế mà Mariam không còn niềm tin vào cuộc đời. Cô bé Mariam, mà về sau là người phụ nữ trung niên Mariam, đã dành hết tình cảm, sự yêu thương và chăm sóc cho Laila và 2 người con của Laila. Mariam giống như mặt trời, soi sáng cho Laila mà suốt quãng đời về sau, Laila cũng không thể nào quên hình bóng đó.
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất- và cũng là buồn nhất đối với mình, đó là khi Mariam kí tên vào bản án chấm dứt cuộc sống của chính mình, cô không hề do dự hay mơ hồ. Mariam xứng đáng với 1 cuộc sống, 1 số phận tốt đẹp hơn. Nhưng ngẫm lại, kết thúc như vậy lại là 1 sự giải thoát với cô. Mariam đã ra đi trong nhẹ nhõm, cô biết rằng cái chết của mình sẽ đổi lại tương lai và hạnh phúc cho những người mà cô thực sự yêu thương. Đối với Mariam, có lẽ thế là quá đủ.
Không ai đếm được bao nhiêu mặt trời toả sáng trên những mãi ngói của nàng, hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng.