Review sách: MƯỜI BA LÝ DO – Jay Asher

Chủ Nhật, 24/09/2023

“everything… affects everything”

Sau khi tan học từ trường về, Clay nhận được một bưu kiện từ Hannah – cô bạn cùng lớp đã tự sát vài ngày trước đó. Bảy cuộn băng casset được đánh số từ 1 đến 13, ứng với 13 câu chuyện, 13 con người đã trực tiếp hoặc gián tiếp – theo như Hannah – buộc cô phải tìm đến cái chết. Cầm trong tay những cuộn băng ấy, Clay bắt đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vẫn luôn ám ảnh cậu từ khi Hannah chết “Tại sao cô ấy lại tìm đến cái chết?”

Ngay từ khi phim chuyển thể được ra mắt, đã có vô số ý kiến trái chiều xung quanh cả sách lẫn phim, khen có, chê có, đồng cảm có, phản đối có,… Với riêng mình, một đứa đã đọc sách từ khi chưa có dự án phim, thì “Thirteen reasons Why” là một cuốn sách rất đáng đọc. Tác giả kể lại quá trình dẫn đến hành vi tự sát của một cô gái, nhưng không có bất kì một từ ngữ nào thể hiện sự đồng tình với hành vi ấy như nhiều người vẫn khẳng định. Càng không có truyện tác giả đang cường điệu hóa vấn nạn tự tử ở thanh thiếu niên. Những gì tác giả khắc họa về  nhân vật nó rất thật, nhưng cũng rất tiêu cực. Phải chăng vì vậy mà người ta không muốn tin vào nó, không muốn tin rằng những người trẻ thực sự có thể suy nghĩ cực đoan đến vậy?

Nếu đã biết hết 13 lý do Hannah lấy để biện minh cho cái chết của mình, thì chắc chắn chúng mình sẽ đồng tình rằng chẳng có lý do nào chính đáng cả. Bị bạn bè bắt nạt, bạn thân hiểu lầm ư, ai chả từng như vậy! Cảm thấy lạc lõng giữa môi trường mới, bố mẹ không quan tâm ư, cái tuổi ẩm ương đấy đứa nào chẳng có lúc nghĩ thế!… Vậy thì có gì kinh khủng đến mức phải tìm đến cái chết đâu, dù tất cả những điều đấy ập xuống cùng một lúc cũng không to tát đến mức phải tự tử cả! Nhưng xin thưa với những NGƯỜI LỚN đang ngày ngày nói về sự ngu ngốc của việc tự tử, rằng đã là tự tử thì chẳng có lý do nào là chính đáng cả. Với mình mà nói, Hannah tự tử, tựu chung lại cũng chỉ vì sự THỜ Ơ của những người xung quanh mà thôi. Chúng ta, ai rồi cũng phải trải qua, hoặc đã từng trải qua cái tuổi 16, 17 đầy chông chênh, lắm bấp bênh. Ở cái tuổi mà cảm xúc dễ xáo trộn, tinh thần dễ dao động ấy, chỉ một vấn đề bé xíu thôi cũng đủ khiến chúng mình chao đảo. Nhưng chỉ cần qua hai, ba năm sau nhìn lại, mới thấy lúc đấy mình thật là ngớ ngẩn. Đó là vì chúng mình đã trải qua một quá trình trưởng thành, nên dù là cách nhau 2, 3 tuổi thôi cũng đã là một sự cách biệt về mặt nhận thức. Ấy vậy mà khi đã trưởng thành hơn, chúng mình lại dễ quên đi thời niên thiếu đầy những chông chênh ấy, từ đó mà thờ ơ với sự trưởng thành của người khác. Chúng mình quên mất bản thân đã từng buồn đến thế nào khi mất đi một người bạn; quên mất đã từng muốn khóc đến thế nào khi cảm xúc của mình bị đem ra chế giễu,… Chúng mình đem thế giới quan của một người trưởng thành áp dụng lên những bạn trẻ vị thành niên, để rồi ra sức phán xét, liệu có đáng không?

Nếu bạn hỏi mình, ai cũng trải qua tuổi dậy thì, vậy tại sao có người vẫn bước tiếp, có người lại quyết định kết thúc như Hannah? Vì không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để cân bằng lại cảm xúc của mình. Vì đâu đó vẫn có những người nhạy cảm như Hannah. Hannah vốn không hề thiếu thốn về vật chất, nhưng chính bóng tối trong tâm hồn đã nhấn chìm cô bé vĩnh viễn. Người ta có thể nói hành động tự tìm đến cái chết của Hannah là bồng bột, nhưng mình lại cho rằng nó là cả một quá trình âm ỉ những nỗi cô đơn, lạc lõng, tủi thân dồn nén ngày qua ngày mà thành. Nói cách khác, cái chết đối với cô bé là một SỰ LỰA CHỌN. Đành rằng cái chết chưa bao giờ là cách giải quyết cho một vấn đề, nhưng khi đã không thể tìm thấy ánh sáng trong tâm hồn mình, Hannah tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Và đừng ai nói rằng sao cô bé không biết chia sẻ với người lớn, vì Hannah đã tìm đến thầy giáo để nói chuyện. Nhưng cũng như bao người khác, bóng tối trong tâm hồn Hannah, đối với thầy giáo, cũng chỉ là một việc không đáng để tâm mà thôi…

REVIEW “MƯỜI BA LÝ DO” – Jay Asher

“Thirteen reasons Why” không có  đặc sắc, tình tiết giật gân lôi cuốn, nên công bằng mà nói, đây là một cuốn sách rất bình thường. Nhưng nó xứng đáng để mình bỏ thời gian ra đọc và suy ngẫm. Ai cũng muốn được quan tâm, vậy thì có mất gì đâu khi dành một ít thời gian để lắng nghe và thấu hiểu cho những “người lớn tương lai”. “Khi bạn yêu ai đó, hãy nói cho họ biết. Vì bạn không biết rằng họ đang cần một lời yêu thương đến thế nào đâu”. Đó là những gì mình đã nghĩ đến khi biết lí do Clay có mặt trong cuốn băng. Đôi khi “không làm gì cả” cũng có thể hủy hoại một con người không kém việc “làm- gì- đó”. Cuộc sống cũng giống như một sợi xích dài vô tận, mỗi người là một mắt xích có ảnh hưởng nhất định lên những sợi xích khác. Thế nên trước khi nói gì làm gì, chúng mình cố gắng suy xét thật kĩ nhé, vì chẳng ai biết được lời nói hành động của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào đâu!

Trong “Cây bách buồn”, Agatha Christie đã viết thế này: “Người ta không sống bởi vì lí trí mình ưng thuận sống. Kẻ nào nói “thì chết thì hơn”, họ không muốn chết đâu. Có những người xem ra có đủ mọi cái để vì đó mà sống, thế mà lại chán chường cuộc sống, chẳng qua vì họ không có nghị lực phấn đấu đó thôi”. Đối với Hannah có lẽ cũng vậy. Có một cuộc sống đủ đầy vật chất đã là một may mắn, nhưng may mắn ấy vẫn không đủ để níu cô lại với cuộc sống này. Từ một đứa “kì thị” những người tự tử, mình dần nhận ra ai cũng có một câu chuyện khiến họ buộc phải bước đến con đường đấy. Chúng ta, những người ngoài cuộc, càng không có quyền phán xét khi một ai đó tự tìm đến cái chết. Bởi sau cái chết, chẳng còn lời phán xét nào kết tội họ được nữa đâu…

Review của độc giả Bánh Bơ Bồng Bềnh – Nhã Nam reading club