Lý Trí Và Tình Cảm là câu chuyện về hai chị em, hai tính cách trái ngược nhau hoàn toàn. Elinor sống lý trí, cẩn trọng và luôn kiềm chế cảm xúc của mình. Trong khi đó cô em gái xinh đẹp Marianne lại xốc nổi, cảm tính và luôn mơ mộng đến thứ tình cảm lãng mạn phù phiếm.
Cuốn sách tiếp tục là một câu chuyện về các cô gái thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội Anh phong kiến. Họ không phải lo nghĩ đến cơm ăn áo mặc mà chỉ có nhiệm vụ kiếm một tấm chồng cho ra dáng để thỏa mãn mẹ cha. Họ dù tự do nhưng là tự do trong khuôn khổ lề phép gia đình.
Chính sự giáo dục họ được hưởng hướng họ trở thành những kẻ ngây thơ, mơ mơ màng màng trong các mối quan hệ. Dù là Elinor cẩn trọng hay Marianne khinh suất cũng đều vướng vào các mối tình làm họ phải đau khổ.
Trái ngược với nỗi khổ từ việc người đàn ông quá giữ phẩm giá của Elinor thì Marianne hoàn toàn là một nạn nhân bởi trò lừa của một tên sở khanh hạng nhất. Cô gái cảm tính mến mộ vẻ ngoài và thứ học thức mà Willoughby phô bày ra. Thậm chí nghe theo hắn mà tỏ ra ghét bỏ đại tá Brandon một cách phiến diện. Cuối cùng khi chịu nỗi bất hạnh lớn lao vì bị phản bội đến mức suy sụp cô gái mới nhận ra ai mới là người sẽ không bao giờ từ bỏ mình.
Brandon có thể không đẹp, là một quân nhân cứng nhắc và quá già so với Marianne nhưng ở ông có thứ tình cảm sâu nặng như nước mà đám trai trẻ không thể dành cho cô. Cô không thích ông sẽ không xuất hiện trước mặt cô. Cô thích thơ ông sẽ đọc cho cô nghe dù có thể tâm hồn ông không thể hòa quyện với Shakespeare. Nhưng có hề chi. Ông yêu cô và có thể làm tất cả để cô gái của ông hạnh phúc.
Nếu Marianne phải đi một vòng lớn rồi mới tìm ra người thật sự yêu mình thì Elinor ngược lại, cô đã thấy người ấy ngay từ đầu. Có điều cô không thể có được người ấy.
Khi còn trẻ Edward từng nông nổi tự mình đính ước. Và giờ đây dù biết mình thật sự chỉ biết tình yêu là gì nhờ Elinor, thậm chí tư cách của cô hôn thê bí mật không ra gì thì anh cũng không thể từ bỏ. Bởi anh là một người đàn ông. Anh có sai lầm và chấp nhận sống cả đời với sai lầm ấy. Còn Elinor lại quá cao thượng. Cô khắc chế không cho mình thể hiện ra sự níu kéo hay ràng buộc nào với anh. Vì cô tôn trọng anh và cũng yêu mến chính tính chân thật cũng như kiên định ấy của anh.
Chuyện tình của Elinor thậm chí sẽ còn bế tắc hơn cả Marianne bởi cô không thể hiện nỗi đau ra ngoài. Người ta sẽ cho rằng cô dửng dưng trước mọi thứ dù thật ra trong lòng cô đang đau đớn vô cùng.
Thế nên dù là sự cẩn trọng thái quá của Elinor hay sự lãng mạn vô bờ của Marianne đều đáng ngại như nhau. Có lẽ sau những biến cố đã đến họ sẽ trở nên chính chắn hơn, thay đổi để phù hợp hơn với địa vị và hạnh phúc mới của mình.
Một lần nữa Jane Austen lại thể hiện lòng tốt của mình với các nhân vật. Các cô gái của bà rốt cuộc đều sẽ lấy chồng. Sẽ có hạnh phúc viên mãn như cha mẹ họ mong muốn và chính họ mơ ước. Xã hội Anh thế kỷ 18 có thể không cho bà những ý tưởng sáng tạo xa hơn khác biệt hơn nhưng tôi vẫn nghĩ chỉ dừng lại ở đó thôi là quá tuyệt vời. Bi kịch cùng cực đôi khi là thứ cần thiết trong một cuốn sách nhưng riêng sách của Austen thì hạnh phúc mới là điều quan trọng luôn hiện hữu.