Không ướt át, không diễm tình như cái tựa đề dễ đánh lừa độc giả, “Lão già mê đọc truyện tình” của Luis Sepúlveda là cuốn tiểu thuyết đậm chất thời sự với một chủ đề chưa bao giờ hạ nhiệt: bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng già và mẹ thiên nhiên.
“Lão già mê đọc truyện tình” (tựa gốc “Un viejo que leía novelas de amor”) ra mắt độc giả năm 1989, là cuốn tiểu thuyết đầu tay và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của Luis Sepúlveda, được trao giải thưởng văn học Tigre Juan danh giá của Tây Ban Nha, cho đến nay đã được xuất bản qua hơn 60 ngôn ngữ.
Năm 2001, tiểu thuyết “Lão già mê đọc truyện tình” được chuyển thể thành phim cùng tên do Rolf de Heer đạo diễn, với sự góp mặt của Richard Dreyfuss – diễn viên từng đoạt giải Oscar.
Một cuốn sách mảnh mai nhưng mạnh mẽ.
Bên bờ sông Amazon, tại một thị trấn El Idilio nằm sâu trong lòng rừng nhiệt đới, có một túp lều nhỏ, trong túp lều nhỏ ấy có một lão già, đang say sưa đọc từng trang truyện tình:
“Lão đọc rất chậm, phải đánh vần từng âm tiết một, sau khi xong một từ lão sẽ đọc lại một lần nữa, rồi cứ như thế cho đến hết một câu, một đoạn văn. Đoạn nào thích, lão sẽ đọc đi đọc lại cho đến khi đã thấy toàn bộ vẻ đẹp của ngôn ngữ và toàn bộ hình ảnh, cảm xúc của những nhân vật thấm hết trong mình mới thôi.”
Đó là Antonio Jose Bolivar Proano, một lão già gần bảy mươi tuổi, mê đọc truyện tình yêu đầy bi kịch nhưng kết thúc có hậu, gu đọc sách này của lão được hình thành sau năm tháng liền chúi mũi ở thư viện trường nơi người quen giới thiệu và thử đọc một số các thể loại sách khác nhau.
Antonio đã sống trong rừng rậm của Ecuador gần bốn mươi năm, từ một anh thanh niên trở thành một ông lão, từ lòng căm hận rừng già khắc nghiệt đã cướp đi sinh mạng của người vợ thân thương đến khi bị mê hoặc bởi vùng đất mênh mông vô biên và vô chủ, từ một kẻ chưa từng nghĩ đến hai chữ “tự do” giữa chốn rừng sâu đến một người hưởng thụ một tự do không biên giới, từ lúc sống chung với người bản địa Shuar đến khi buộc phải rời đi và định cư tại ngôi làng nhỏ El Idilio. Bây giờ lão đã trở nên già yếu và không thích gì hơn là chìm đắm trong nỗi đau và nỗi thống khổ của những câu chuyện tình yêu rồi sung sướng ngập tràn khi đọc đến một kết thúc hạnh phúc.
Thú vui của lão chỉ có thế, nhưng rồi vụ chết người xảy ra với những dấu vết để lại của một con mèo cái khổng lồ, lão bị buộc phải vào rừng để tham gia cuộc săn bởi nắm trong tay những kinh nghiệm tuyệt diệu của một tay thợ săn lõi đời.
Một cuộc truy đuổi và đối đầu đầy nghẹt thở!
Đây là một cuốn sách mảnh mai nhưng mạnh mẽ, cao trào đẩy lên cuộc đấu tranh giữa Antonio với chính lương tâm của mình khi truy tìm một con báo cái – một con báo có mọi lý do đầy đủ để được báo thù.
Nỗi đau và sức mạnh của rừng già!
Vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Luis Sepúlveda tham gia vào một cuộc thám hiểm kéo dài hơn bảy tháng của UNESCO để đánh giá tác động của việc thuộc địa hóa đối với người Shuar da đỏ ở Nam Mỹ.
Luis Sepúlveda luôn là một người đấu tranh mạnh mẽ cho môi trường ở những nơi ông đặt chân đến, đây cũng là đề tài cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông – “Lão già mê đọc truyện tình”.
Tên ngoại bang đã giết chết lũ con nhỏ của con báo cái, lột những miếng da nhỏ xíu rõ là vô dụng, và làm bị thương cả bạn tình của nó nữa. Một luật nhân quả phũ phàng nhưng không thể trốn thoát được.
“Có thể cuộc sống của ông với những người Shuar đã khiến ông nhìn cái chết như một sự phán xử của công lý. Một hành động tàn bạo, không thể tránh được. Nợ máu phải trả bằng máu.”
Tên ngoại bang đã vì cái lợi nhỏ bé trước mắt mà gây họa sát thân, mà nếu không chấm dứt triệt để mối họa này thì tính mạng của dân làng của cả El Idilio sẽ luôn bị đe dọa. Điều đó buộc Antonio phải vào cuộc.
Với tác phẩm này, Luis Sepúlveda đã đưa ra một bối cảnh cụ thể và những hành động cụ thể, để độc giả hình dung rõ sự tàn nhẫn và vô cảm của con người trước thiên nhiên.
Thuộc địa hóa còn kéo theo bao nhiêu nỗi đau cho rừng già nữa? Lũ chim tan tát báo hiệu những cái lưỡi hùng mạnh đang từ phía Tây vươn tới, thăm dò và xâm nhập vào bên trong cơ thể rừng già. Một lực lượng máy móc khổng lồ đang mở ra những con đường lớn.
Những tên ngoại bang kéo đến từng tốp, ồn ào và kiêu ngạo, mang theo vô số những con quái vật kim loại của súng và máy móc, nhắm thẳng hướng rừng già, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ thứ gì động đậy. Nhu cầu săn bắt bệnh hoạn của chúng. Bên cạnh đó, dân khai hoang chặt phá cây cối, tàn phá rừng, dựng nên cái gọi là tuyệt tác của loài người văn minh: sa mạc.
Các công cuộc thuộc địa hóa đã từng bước chiếm đất và phá hủy hệ sinh thái, làm nhơ bẩn sự trong trắng của rừng Amazon, buộc người bản địa Shuar và muôn thú phải nhập vào cuộc di cư về phía Đông, cứ đi sâu mãi vào rừng già. Rừng già bị thương tổn nặng nề, nhưng rừng già vẫn luôn dang tay che chở cho những đứa con của mình.
Ảnh minh hoạ: tueminh_tran