“Nỗi cô đơn, sự bất hạnh và vọng niệm về Cái Đẹp.”
Từ cuối thế kỷ XIV, đã xuất hiện một ngôi chùa Thiền Phật Giáo tên là Kinkaku-jikhi ở Kyoto, Nhật Bản. Tuy nhiên, vào ngày 2 tháng 7 năm 1950 ngôi chùa đã xảy ra sự kiện phóng hỏa chấn động khắp đất nước Mặt trời mọc. Hayashi Yoken, 22 tuổi, lúc 2:30 sáng, ông ta đã đốt lửa thiêu rụi ngôi chùa. Người này sau đó cố gắng tự sát trên ngọn đồi Daimon-ji phía sau ngôi tự. Nhưng ông ta sống sót, và bị bắt giam, sau đó nhà sư bị kết án bảy năm tù, rồi lại được thả vì mắc bệnh tâm thần.
Yukio Mishima lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật này, kết hợp nhiều lần vào thăm Hayashi Yoken ở trong tù, nhà văn đã chắp bút nên “Kim Các Tự” và năm 1956 cuốn sách ra đời.
Trong ‘Kim Các Tự” nhân vật chính của tác phẩm, Mizoguchi, con trai một tu sĩ Phật giáo tận tụy sống và làm việc tại Cape Nariu trên bờ biển phía bắc Honshū. Trong suốt thời thơ ấu của mình, ông được nghe cha kể về ngôi chùa, “Trên thế gian này chẳng có gì đẹp như Kim Các”. Từ đó, ông nuôi trong mình giấc mơ ngày nào đó được một lần nhìn ngắm Kim Các Tự kiêu sa, diễm lệ. Sau cái chết của cha mình, giấc mơ hóa thành hiện thực, Mizoguchi trở thành đệ tử tại ngôi chùa, mang theo ước nguyện trở thành trụ trì Kim Các Tự của người Mẹ nơi quê nhà.
Sinh ra đời với khuyết tật nói lắp và ý thức về sự nghèo khó của gia đình, ông ta mang trong mình nỗi mặc cảm và tự ti, dần xa rời mọi người, sống trong nỗi cô đơn và ôm hoài Cái Đẹp trong tâm tưởng. Mizoguchi làm mọi cách như trốn học, mượn tiền ăn chơi, tìm kiếm khoái lạc với hy vọng Trụ trì sẽ trục xuất mình khỏi Kim Các. Không đạt được mục đích, sau cuối ông ta quyết định phóng hỏa Kim Các Tự.
“Kim Các, dưới con mắt của cậu bé, trông đẹp phi thường, đẹp nhất trên cõi đời này, chính trong điều ấy đã chứa đựng nhiều lý do để cậu trở thành một kẻ phóng hỏa.”
Bức tranh “Kim Các Tự” được Yukio Mishima vẽ bằng ngôn từ thông qua ngòi bút tinh tế, sắc sảo của mình. Tâm lý nhận vật được nhà văn lột tả chân thực, từ dáng vẻ bên ngoài đến tận cùng nội tâm Mizoguchi, từ khao khát Cái Đẹp dần chuyển sang màu ám ảnh, muốn chiếm hữu và cuối cùng là hủy hoại Cái Đẹp. Tiểu thuyết được viết vào thời kỳ Nhật Bản xảy ra Thế chiến thứ hai, Kim Các Tự không bị hủy hoại bởi bom đạn chiến tranh, nhưng lại biến mất bởi bàn tay con người, phá vỡ Cái Đẹp để giải thoát cái mặc cảm ẩn ức trong sâu thẳm tâm hồn.
Cái đẹp sẵn sàng trao bản thân nó cho bất cứ ai, nhưng lại chẳng thuộc về ai cả.