Đợt dọn kho này, mình săn được Kim Các Tự sale 40% trên TIKI, đọc xong phải viết ngay cái review này vì quá xúc động. Đây là ý kiến chủ quan của mình và sẽ có tiết lộ một số tình tiết. Bạn nào không muốn ảnh hưởng đến trải nghệm đọc sách thì có thể bỏ qua nha. Xin cảm ơn ạ!
***
Tôi đọc Kim Các tự vào một ngày cuối tuần thảnh thơi và ấm cúng đầu tháng 12, mà đúng thật là tôi nên đọc nó vào một ngày thảnh thơi và ấm cúng, vào ngày như thế tâm trí được gột rửa khỏi những tạp âm, vướng bận tủn mủn để sẵn sàng đón nhận một cái gì đó rất thẩm mỹ, khác biệt thế tục. Bởi vì cuốn “kim các tự” tự thân nó tỏa ra một khí chất rất khác biệt, khiến tôi không kìm được mà bày tỏ sự kính nể.
Để nhận xét về một tiểu thuyết văn học, tôi quan tâm trước nhất hai nội dung: Câu chuyện và Văn phong. Nhưng Kim Các Tự dưới dạng ấn bản với bìa sách tuyệt đẹp lại khiến tôi từ bỏ thói quen đọc review nội dung trước khi quyết định mua. Quả thật, bìa sách với hình vẽ một Kim Các bềnh bồng trên mặt Kính Hồ đậm chất thơ, bay bổng mà lại gần gũi lạ lùng khiến tôi đã rung động khi nhìn qua trang web bán hàng, nhưng cầm trên tay, cái rung động ấy biến thành nỗi xúc động vì sự gần gũi với Kim Các qua trang vẽ càng trở nên chân thật hơn, phải chăng những nét vẽ mềm mại cùng gam màu nhẹ nhàng đã khiến Kim Các Tự từ một công trình kiến trúc Phật giáo thiêng liêng trở thành một nơi chốn gần gũi, bình đạm và yên bình, mà trong tâm trí tôi “Kim Các trên bìa sách” mang hơi hướm một ngôi nhà của bậc tao nhân hơn là một kiến trúc thờ tự uy nghiêm. Phải chăng vì nơi đây vốn là nơi an dưỡng của một vị tướng quân trước khi trở thành thiền viện? Nhưng chắc chắn dù là kiến trúc Phật giáo hay là nơi an dưỡng, thì cảm giác bình đạm toát ra một cách tự nhiên kia chính là để dành cho sự thiền tu, buông bỏ thế tục.
Ấn tượng về Kim Các Tự qua bìa sách khiến tôi dễ dàng tiếp cận Kim Các trên mặt chữ hơn. Có thể nói rằng chất thơ trên trang bìa đã chuẩn bị một tinh thần nhẹ bẫng cho ta bay bổng trong thế giới ngôn từ tinh tế của tác giả. Kim Các Tự là nỗi băn khoăn, dằn vặt, thổn thức, oán hờn,… của Mizoguchi, một tiểu tăng sống trong ngôi chùa vàng này, cũng chính là nhân vật “tôi” trong cuốn tiểu thuyết.
“Tôi” hay Mizoguchi được xây dựng trên hình mẫu có thật, một nhân vật mà tên tuổi gắn liền với sự kiện phóng hỏa Kim Các Tự năm 1950 khiến cả nước Nhật kinh hoàng. Tiểu tăng Mizoguchi sinh ra với nỗi tự ti vì cơ thể xấu xí, ốm yếu và vì tật nói lắp chẳng giống ai, sự chán ghét người mẹ nông thôn nhà quê, khắc khổ với kì vọng lớn lao đè lên vai cậu khiến những năm tháng trên con đường tu tập của Mizoguchi trở nên hỗn loạn, dằn vặt. Chỉ duy Kim Các Tự với vẻ đẹp tuyệt mỹ, với cái hồn thiêng liêng kết nối với mảnh tâm hồn u uất dường như là thứ cứu vớt sự trống rỗng gần như vô cảm của Mizoguchi.
Mạch truyện trong Kim Các Tự rất chậm, nhưng không phải cái chậm chạp rề rà khiến ta sốt ruột theo đuổi diễn biến, nó là sự chậm rãi có lý do. Xuyên suốt câu truyện là những trăn trở về Cái Đẹp, về diễn biến tâm lý của nhân vật “tôi” từ niềm sùng kính, yêu thương thổn thức với Kim Các đến quyết định phóng hỏa đốt chùa.
Lật qua các trang sách, tôi gần như quên đi việc theo dõi diễn biến nội dung của câu chuyện, để mà chìm đắm trong thế giới vi diệu của ngôn từ, nhập vào tiểu tăng Mizoguchi quan sát Kim Các Tự với vẻ đẹp phi thực biến hóa ảo diệu ở mọi góc độ, không gian, thời gian:
Kim Các đứng đó tuyệt đẹp trong tuyết phủ, chẳng gì sánh nổi. Trong tuyết, tòa kiến trúc lộng gió này phó mặc cho tuyết thổi vào, những cây cột nhỏ nhắn với làn da thanh sạch, tươi mát đứng sát nhau … Kim Các trôi nổi rạng ngời giữa biển tuyết…
Kim Các phô ra một vẻ đẹp vững chắc vượt thoát cả tâm tưởng của tôi, không, vượt thoát khỏi thế giới hiện thực, không dính dáng với bất kỳ chủng loại phù du nào. Chối từ mọi ý nghĩa, … các chi tiết lẫn toàn thể kiến trúc lâu các vang vọng như nhạc vậy…
Kim Các mờ ảo trong bóng tối của đêm mưa với đường nét nhạt nhòa. Tòa kiến trúc đứng đó đen sầm và trông như khối kết tinh của đêm đen sâu thẳm… Kim Các nhờ anh sáng tự phát của mình, trở nên trong suốt, và làm cho tôi đứng bên ngoài mà thấy một cách rõ ràng nào là tranh trần vẽ nhà hình chư thiên tấu nhạc nơi Âm Động, nào là vết tích của những miếng vàng dát cổ xưa trên trên tường của Cứu Cánh Đỉnh,…
Tôi vốn nghĩ rằng, hầu hết những người có sự rung cảm mãnh liệt trước cái đẹp thì không thể là người vô cảm, nhưng nhân vật chính trong câu chuyện đã vượt ra ngoài cái “cứ ngỡ” của tôi. Mizoguchi yêu Cái Đẹp, tôn thờ Cái Đẹp trong hầu như mọi khoảnh khắc sống, ngay cả trong giây phút nhục dục cháy bỏng: “Cái Đẹp” hay “Kim Các Tự” lại hiện ra “Tòa kiến trúc ấy đứng giữa tôi và cuộc đời mà tôi hướng tới” …” Cô gái ở khu nhà trọ bay đi như hạt bụi, nhỏ và xa. Vì cô ta bị Kim Các từ chối… Nhìn từ quan điểm của Cái Đẹp, có lẽ Cái Đẹp có quyền yêu cầu tôi buông bỏ cõi thế”.
Vậy vì lẽ gì một con người, một tâm hồn yêu và thờ phụng cái đẹp như lẽ sống lại bị sự vô cảm, tư tưởng cực đoan bao trùm như bóng đêm vĩnh cửu? Vì sao nói Mizoguchi bị bóng đêm của sự vô cảm bao trùm mà không nói cậu vô cảm. Bởi Mizoguchi không hoàn toàn mất hẳn tình người. Trong một số hoàn cảnh nhất định, đối với những đối tượng nhất định, cảm giác tình người của Mizoguchi vẫn hiện rõ, nhất là khi nghe tin Tsurukawa – người bạn thân thiết – “dương bản” của cậu, mất vì một tai nạn xe :“Dòng lệ của tôi đã không chảy trong ngày cha tôi chết, thế mà dòng lệ ấy giờ đang chảy”. Nhưng song hành với nó, cảm giác “hớn hở”, “phấn khích” khi giẫm đạp lên cơ thể một người phụ nữ và sự thờ ơ của cậu khi biết bởi vì hành động đó mình đã vô tình giết chết một sinh linh vô tội khiến tôi ớn lạnh. Dù rằng sau này việc làm đó cũng đã “lắng trong ký ức” cậu “như hạt vàng” và khiến cậu “chẳng cảm thấy nhẹ nhàng trong tâm hồn”.
Sự vô cảm, tàn nhẫn ẩn hiện hệt như một bóng ma trong Mizoguchi theo tôi phần lớn bắt nguồn từ sự tự ti hình thành trong những năm tháng bị khinh thường bởi những người đi qua cuộc đời cậu. Mà ám ảnh nhất có lẽ là từ Uiko – cô gái xinh đẹp mà kiêu kỳ, cô gái hàng đêm đi vào những “mơ mòng u ám” khiến Mizoguchi thao thức.
“Mà anh bị tật cà lăm hả?”
Đó là câu Uiko đã thốt ra khi Mizoguchi chạy cả một quãng đường dài với khao khát gặp được cô. Ngay cả sau khi cô vòng qua cậu, cái bấm chuông xe đạp inh ỏi từ cô cũng khiến Mizoguchi cho rằng Uiko đang chế giễu mình.
Để rồi sau này, cái ám ảnh ấy đeo theo cậu tiểu tăng đằng đẵng như cái nhọt ung chẳng thể nào cắt bỏ. Những người phụ nữ mà sau này Mizoguchi gặp đều khiến cậu nhớ về Uiko với sự nặng nề khôn tả. Cậu luôn ngấm ngầm so sánh với Uiko, cô gái này rất giống Uiko, người phụ nữ kia khác hẳn Uiko. Khi lật giở đến những đoạn này, tôi thường bị bối rối giữa những luồng suy nghĩ về “ám ảnh Uiko” trong Mizoguchi. Ám ảnh đó là về tình yêu với Uiko không thể nguôi hay về sự khinh thường của người con gái ấy đã để lại tổn thương sâu hoắm không thể lành hay là cả hai điều đó? Vừa yêu vừa hận chăng? Tôi không rõ nữa.
Nhưng nếu đổ hết tội lỗi cho sự tự ti vì đã biến một thiếu niên rụt rè, yếu đuối trở thành tên tội phạm phóng hỏa là không công bằng. Tình yêu cực đoan với Kim Các, áp lực đến từ sự kỳ vọng của người mẹ, sự bất lực trước bộ mặt giả tạo của vị sư trụ trì, đau thương khi mất đi những người thân yêu và cả ảnh hưởng của chiến tranh trong những năm tháng ấy. Tất cả trộn lẫn vào nhau, sôi sục và biến thành ngọn lửa ngùn ngụt trong tâm khảm Mizoguchi.
Ý nghĩ muốn cùng bốc cháy, cùng chịu một kiếp nạn, một vận mệnh đã âm ỉ từ lâu và sau khi trải qua ngần ấy tổn thương nó đã thôi thúc Mizoguchi châm lửa đốt Kim Các. Và rồi thì sao? Cậu tiểu tăng ấy có sẵn sàng chết cùng ngôi chùa? Hay sau tất cả đã chọn giết chết Cái Đẹp ám ảnh cuộc đời mình như một sự giải thoát khỏi cái đã níu kéo, ngăn trở cuộc đời mình với thế giới bên ngoài, như một sự tái sinh rực rỡ “từ đống tro tàn của Cái Đẹp” khiến cậu vừa yêu vừa sợ kia?
Kim Các Tự là cuốn sách không dày, nhưng để hiểu được tầng tầng lớp lớp ý nghĩa trong đó và cảm nhận được hết Cái Đẹp mà tác giả muốn gửi gắm có lẽ tôi phải nghiền ngẫm trong khoảng thời gian rất dài sau đây. Thêm một lần nữa, Kim Các Tự làm tôi thấm thía hơn về sức mạnh vô biên giới của ngôn từ và nghệ thuật.