Nếu không phải đã xem trước anime thì ban đầu mình có nghĩ đây là một truyện thanh xuân vườn trường tình yêu tuổi học trò hay gì đó đại loại thế =))). Căn bản thanh niên một chữ tiếng Nhật bẻ đôi cũng không biết nghe cái nhan đề Hyouka cũng chả hiểu nghĩa là gì =)) Đến khi sách xuất bản thì mới biết hóa ra nghĩa là Kem Đá.
Ừ thì đây đúng là một truyện về tuổi thanh xuân, nhưng không phải là một tuổi thanh xuân bình thường, mà là tuổi thanh xuân của một anh chàng xám như mùa đông – Houtarou Oreki. Con người đề cao chủ nghĩa tiết kiệm năng lượng với phương châm: “Việc gì có thể tránh làm thì sẽ không làm – Việc gì phải làm thì sẽ cố làm cho xong.” Ấy nhưng đừng hiểu lầm, ý cậu ấy không phải “làm cho xong” theo kiểu làm cho có đâu =))) mà là làm thật hoàn chỉnh để dứt điểm một lần ấy (Hơi tự sướng tí nhưng mình cũng hơi giống thế =)) Nhưng chắc đây là biện hộ cho cái tính lười biếng trời sinh mà 2 chục mùa khoai không sửa nổi). Cậu ấy đã nghĩ rằng cuộc sống học đường của mình sẽ kết thúc trong màu xám như vậy, nhưng rồi sự xuất hiện của cô bạn Chitanda Eru đã làm đảo lộn tất cả và kéo cậu vào những bí ẩn bằng một câu nói: “Tớ rất tò mò”. Dường như cô bạn ấy đã vảy tất cả những màu còn lại trên bảng màu vào bức tranh cuộc sống đời thường nhàm chán của Oreki.
Bảo đây là câu chuyện học đường, nó lại có yếu tố trinh thám, bảo đây là truyện trinh thám, nó lại không có yếu tố giật gân hay sự kiện kinh thiên động địa. Câu chuyện là những bí ẩn tưởng chừng như nhỏ nhất của tuổi học sinh, của trường học cũng như những bước đầu khám phá bí ẩn trong chính bản thân mình. Vậy nên nói trước, đọc câu chuyện này hoàn toàn không thấy giật gân, hoàn toàn không có những vụ kỳ án kinh thiên động địa mà chỉ là sự tò mò theo bước chân của chàng trai màu xám Oreki cùng câu lạc bộ Cổ điển trong việc khám phá các bí mật của trường học.
Bản thân mình khá thích nhân vật Oreki, trước hết vì trí tuệ của cậu ấy, đương nhiên. Nhưng sau đấy mình cảm thấy có gì đó đồng cảm. Cậu ấy lựa chọn cho mình cuộc sống màu xám dưới cái tên hoa mỹ “tiết kiệm năng lượng”. Nhưng kỳ thực Oreki là con người mâu thuẫn. Từ sâu thẳm bên trong cậu ấy cũng cảm thấy cô đơn, muốn được kết bạn, muốn tô màu cho bức tranh cuộc sống của mình. Đó là lý do cậu ấy có một người bạn thân trái ngược hoàn toàn với mình, chấp nhận yêu cầu tham gia câu lạc bộ Cổ điển của chị gái, cũng như không thể kháng cự được ánh nhìn của Chitanda. Chỉ cần Chitanda thốt lên: “Tớ rất tò mò!” là cậu ấy lại dùng tất cả trí tuệ của mình để giải đáp bí ẩn ấy.
Như mình đã nói trên, khi nhìn vào cậu ấy mình cảm giác mình bắt gặp một phần trong con người mình. Mình không dám nhận mình là người thông minh (thậm chí là đứa hơi đần ahihi) nhưng trong 20 năm sống trên đời mình vẫn còn đang mâu thuẫn mà đến giờ vẫn không trả lời được: Tôi là ai? Triết lý sống của tôi là gì? Tôi là con người hướng ngoại hay hướng nội? Tôi là người nhiệt huyết hay là một người “tiết kiệm năng lượng”? Cho nên khi nhìn vào Oreki, mình thấy rất thích cậu ấy.
Vì mình không biết tiếng Nhật, không có cơ hội đọc bản gốc nên cũng không dám nhận xét về người dịch. Nhưng cá nhân mình khi đọc thấy văn phong dịch giả Như Ý dịch khá mượt, đọc không bị trúc trắc khi chuyển ngữ, đồng thời có một số đoạn dịch giả truyền tải cảm xúc khá tốt, đọc cũng khiến độc giả suy ngẫm.
Về hình thức thì cá nhân mình nói thật lòng là không thích bìa của cuốn sách này (Nếu so sánh với cuốn Thằng Khờ đã xuất bản bởi Nhã Nam). Bìa rời thì ok mình thích nhưng giấy bóng và khá mỏng nên cảm thấy hơi… lởm lởm. Xin lỗi Nhã Nam nhưng nếu so sánh với Thằng Khờ thì mình thấy bìa Thằng Khờ đẹp hơn. Tuy nhiên thiết kế bìa thì mình thấy khá ấn tượng, màu sáng nhưng lại tạo cảm giác hơi cũ, giống như đang nói đến tính chất “cổ điển” của câu lạc bộ Cổ điển vậy.
Nói dông dài, nhìn chung đây là cuốn sách đáng đọc. Bạn nào hứng thú với trinh thám mà trước giờ toàn đọc những truyện giết người chặt xác máu lửa thì có lẽ cân nhắc đổi gu, giống như một khoảng lặng trong bài hát vậy á ^^