Nghĩ về “Kafka bên bờ biển“, tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết dấn thân, và những con người trong tiểu thuyết này là những con người dấn thân, từ Kafka, Nakata, hay Hoshino. Từ quá trình dấn thân ấy, can đảm bước ra khỏi vũng lầy của đời sống lặp lại đời thường, bước vào một chuyến phiêu lưu để làm hiện hình sự sống của bản thân, hay nói như Jean Paul-Sartre, rằng: “… con người trước hết tồn tại, đối diện với chính mình, khẳng định mình trong thế giới – và định nghĩa bản thân mình sau đó”.
Bản thân Kafka bị cha mình nguyền rủa, “sẽ giết cha và ngủ với mẹ”, giống như lời nguyền giáng xuống số phận tiền định của Oedipus trong bi kịch “Oedipus làm vua” của Sophocles thời Hy Lạp cổ đại. Kafka, trên hành trình sống của mình, cố gắng trốn chạy khỏi thuyết tất định ấy. Hành trình ấy vấp phải một quan niệm mà Oshima nói với Kafka khi ở trong thư viện, về thế giới quan cơ bản của bi kịch cổ đại Hy Lạp, khi con người không lựa chọn số phận, mà số phận lựa chọn con người. Còn Aristotle, viết về nghệ thuật thi ca, cho rằng bản thân sự bi kịch mà con người phải gánh chịu không xuất phát từ sự ngu dốt, xấu xa, lười biếng, những phẩm chất tồi tệ của một con người, mà bắt nguồn từ chính phẩm hạnh, đạo đức của họ. Bản thân Oedipus vướng vào bi kịch không phải vì chàng ngu ngốc hay bội bạc, mà xuất phát bởi tình cảm yêu quý với cha mẹ của mình. Chính vì phẩm giá cho đi rồi nhận lại điều cay đắng, nhân loại mới khóc thương cho bi kịch của Oedipus, chứ không phải nụ cười hả hê thoáng chốc như thể đáng đời hay ác giả ác báo.
Quay lại với số phận của Kafka, luôn có khoảng trắng không được lấp đầy, những câu hỏi không thể trả lời được: bản thân Kafka có giết cha mình trong đêm mà lão Nakata giết chết Johnnie Walker, và Miss Saeki có phải mẹ của Kafka hay không? Haruki Murakami không đưa cho chúng ta một câu trả lời xác quyết như Sophocles. Nhưng dù sao, dường như đáng kể nhất trong trường hợp của cả Oedipus hay Kafka, cả Sophocles hay Murakami, điểm nhấn lớn nhất và cao cả nhất là thái độ của của mỗi nhân vật trước cái bi kịch, cái số phận tất định của mình. Oedipus, khônh trốn chạy sự thực, mà can đảm đối diện với sự thực, rằng mình đã giết cha, và lấy mẹ của mình làm vợ. Bản thân Oedipus cũng có thể được nhìn nhận như một con người hiện sinh: không cam chịu, không đầu hàng trước cái nghiệt ngã, không nệ vào lời phán truyền của chư thần hay sợi chỉ ràng buộc số mệnh, mà luôn cố gắng vùng vẫy hòng ra khỏi sự trói buộc ấy. Dù cho có thất bại, Oedipus vẫn không bao giờ là kẻ bạc nhược, loay hoay trong sự bế tắc của dòng chảy cuộc đời, khi chàng quyết định chuộc tội, chuộc lại tội ác vô thức của bản thân: chọc mù hai mắt và rời khỏi ngai vua để cứu chuộc cho Thebes. Thông điệp sâu kín mà Sophocles gửi gắm đến chúng ta: con người có thể không lựa chọn được số phận của bản thân, nhưng có thể lựa chọn được cách sống và thái độ sống, sống sao cho nhân cách của mình không bị thui chột đi, níu lại phẩm giá cũng như số phận, để bản thân không thực sự trở thành trò đùa của tạo hoá.
Soi chiếu cuộc đời Oedipus vào cuộc đời của Kafka, Kafka trước hết khẳng định cái tồn tại của mình, khẳng định “cái đích thực”, cái bản thân của cậu bằng cách chạy xa khỏi người cha, chạy khỏi một nguy cơ của lời nguyền, hay một khả năng được định sẵn trong cuộc đời của cậu. Hành trình sống của Kafka tuồng như là sự khước từ câu hỏi của triết học Hy Lạp cổ đại: “Con Người là gì?”, khi họ cố gắng định nghĩa con người bằng hai chữ viết hoa, xem nó như khuôn vàng thước ngọc, một mực thước lý tưởng và hết mực sống vì nó, sống vì cái khuôn mẫu toàn bích ấy. Hành trình sống ấy dường như trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, tức là không tồn tại một mực thước nào, mà cá nhân, chính là người định hình nên đời sống riêng của cuộc đời họ. Bỏ nhà ra đi là một cách định hình, một cách tự tách mình khỏi số phận tiền định. Khước từ cái được định sẵn, và dấn thân vào một hành trình mới mẻ, đó là năng lượng liều lĩnh đầy tinh thần hiện sinh trong hành trình ra đi của Kafka: hành trình không chỉ để chối bỏ sự hạn hẹp trong khuôn mẫu của số phận, mà còn là hành trình trả lời cho ẩn số mẹ mình là ai, hành trình đi tìm cái “căn cước” cho chính bản thân mình. Ngay cả khi đối diện với một khả thể, rằng bản thân mình đã thực sự giết cha dù chỉ trong giấc mơ, bản thân đã thực sự ngủ với mẹ và chị gái, dù là một khả thể mơ hồ, nhưng Kafka vẫn có suy nghĩ:
Giá như tôi có thể xóa bỏ cái thằng tôi đây, ngay tại chỗ và ngay bây giờ! Tôi sẽ xem xét ý tưởng này một cách nghiêm túc. Giữa bức tường cây dày đặc này, trên con đường không ra đường này, nếu tôi ngừng thở, tôi sẽ lặng lẽ chôn vùi ý thức của mình vào bóng tối, dòng máu đen màu bạo lực của tôi sẽ rỉ ra đến giọt cuối cùng, gien của tôi sẽ rữa nát giữa đám cỏ dại. Lúc đó cuộc chiến của tôi sẽ kết thúc.
Giờ đây, khi đọc những câu độc thoại nội tâm này, độc giả, một lần nữa lại thấy thân phận của Oedipus trở lại. Nhưng rồi, cũng như Oedipus, Kafka đã không chọn cái chết, đã không chọn tự sát. Nếu Kafka tự sát, vậy có khác gì một Oedipus, trong phiên bản được định sẵn, của thời hiện đại đâu? Nhưng nếu như thế, sự sống có nghĩa lý gì? Nếu Kafka tự sát, tức là trốn chạy khỏi việc “định nghĩa bản thân” trong thế giới đầy vô nghĩa. Kafka đã không dừng lại hành trình sống của mình, không tự giết chính mình, mà dấn thân vào một hành trình khác, dấn thân vào khu rừng ẩn sâu trong núi, có bóng ma của chiến tranh, của sự trốn chạy khỏi hiện thực của những người lính, để một lần nữa đối diện với tự ngã, trả lời những câu hỏi của bản thân, và trả lời câu hỏi về ý nghĩa trong hành trình sống của mình. Và rồi, lại một lần nữa, khước từ việc ở lại thế giới giả tạo của sự trốn chạy ấy, một lần nữa bước ra ngoài, đối diện với cuộc sống của mình đang tới. Có lẽ đó cũng là “thái độ” mà Oedipus đã có khi quyết định chọc mù hai mắt của mình và khước từ định mệnh. Đứng trước một ngã rẽ trong khu rừng, Kafka dũng cảm đối diện với số phận, với tương lai của bản thân. Đó là ý chí tự do, là tinh thần sống bản lĩnh đầy chất hiện sinh trong con người Kafka. Ta không khỏi nghĩ đến lời nói của cô gái điếm mà Hoshino đã gặp, khi trích dẫn Henri Bergson:
Hiện tại thuần tuý là một bước tiến không thể nắm bắt của quá khứ gặm nhấm tương lai. Thực ra, mọi cảm giác đã là ký ức.
Đúng vậy, mọi sự đã ở phía sau, con người không thể thay đổi, mà con đường sống của mỗi con người gắn liền với tinh thần vị lai, vì mọi cảm giác đã là kí ức. Con người không thể ưu sầu về quá khứ, mà phải tiếp tục sống, tiếp tục hành trình miên viễn của mình, đi tìm, và trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”. Đó cũng là tinh thần hiện sinh gắn liền với vị lai được Murakami gửi gắm:
Và khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ bạn đã vượt qua như thế nào, bạn xoay xở để tồn tại được ra sao. Bạn thậm chí sẽ không dám chắc, thật ra, liệu cơn bão có thật sự đi qua. Nhưng có một điều chắc chắn. Là khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là cùng một người mà đã bước vào. Đó là những gì về cơn bão.
Cuộc sống luôn tồn tại những khúc mắc, những gập ghềnh, những câu hỏi, và những cơn bão. Thái độ sống, theo tôi, là thông điệp cao cả nhất mà Murakami gửi gắm cho “Kafka bên bờ biển”, nếu con người không có can đảm đối diện với cơn bão, vậy thì anh ta đã bị nó quật ngã, ngay cả khi nó vẫn còn là một cánh bướm vỗ ở cuối chân trời. Và ngược lại, có lẽ chỉ cần một thái độ sống liều lĩnh, một năng lượng sống vùng vẫy mang chất hiện sinh thôi, thì đã có một sự hứa hẹn:
Mày đã là một bộ phận của một thế giới mới toanh.
_________________
Đọc “Kafka bên bờ biển” nói riêng, đọc các tác phẩm của Haruki Murakami nói chung qua lăng kính của chủ nghĩa hiện sinh, thiết nghĩ là một cách tiếp cận tác phẩm văn học đáng quý.