“Tận cùng của sinh mệnh không phải cái chết, mà là sự lãng quên.”
Sau năm năm ra rạp, đây vẫn là lời thoại mình thích nhất trong phim Coco. Trong đời mình, bạn đã từng một lần rời xa người thương vào một ngày không hẹn trước, người ấy ra đi đột ngột trong một tai nạn nào đấy hay một cơn bạo bệnh mà bạn thì ở xa không kịp nhìn nhau, trao nhau những cái ôm, những lời nói sau cuối … Cứ thế, chuỗi ngày dài nuối tiếc nối đuôi nhau chạy dọc miền ký ức cho đến một ngày, bạn đứng trước “ngôi nhà” thứ hai của người đã xa, nơi nghĩa trang quạnh vắng, lặng nhìn bức chân dung và tên họ của người mà ta thương khắc trên bia mộ. Bạn chợt nhận ra, người đã khuất, họ chỉ biến mất khỏi thế gian, không còn hiện hữu trên cõi đời nhưng trong tâm ta họ vẫn mãi ở đó, đồng hành cùng ta trong mọi cảm xúc vui buồn, hạnh phúc, mỉm cười cùng ta qua bao tháng năm và chính nơi ấy hoa vẫn nở mỗi ngày.
Bức tranh mà mình vừa gọi tên chính là nghĩa trang-“khu vườn của những linh hồn”, bối cảnh chính trong tác phẩm “Hoa Vẫn Nở Mỗi Ngày” do nhà văn người Pháp, Valérie Perrin chắp bút. Chắc chắn bạn từng nghe nói ” Đọc nhiều sách bạn sẽ được sống nhiều phần đời khác nhau”, thì nay chỉ với mỗi tác phẩm Hoa Vẫn Nở Mỗi Ngày bạn sẽ được nghe kể về nhiều mảnh đời khác nhau, những thăng trầm chồng chéo nhau đi qua cuộc đời mỗi kiếp người, những buổi đưa tiễn người chết về với đất mẹ, sự sống và cõi chết, tất cả đan xen, hòa quyện vào nhau làm sống động khu vườn … tất cả sẽ được tác giả tái hiện thông qua câu chuyện cuộc đời của cô quản trang-Violette, nhân vật chính của cuốn sách chữa lành này.
Đọc đến đây có lẽ bạn sẽ thắc mắc, người trông coi nghĩa trang sao không phải là một người đàn ông sức dài vai rộng hay một người trung niên đã nghỉ hưu chẳng hạn, tại sao một người phụ nữ lại chọn công việc nghe có vẻ nhàm chán, khô cằn sỏi đá, hơn nữa, cô không sợ những hồn ma hay sao. Mình nghĩ đây chính là điểm sáng của tác phẩm, góp phần không nhỏ tạo nên thành công của Hoa Vẫn Nở Mỗi Ngày. Nhà văn thật khéo sắp đặt nhân vật, Valérie Perrin đã mang cô gái đến nghĩa trang, làm dịu lại cái hoang vắng, lạnh lẽo của những ngôi mộ đá, thổi hồn người vào lòng nghĩa trang cô quạnh. Đồng thời chữa lành vết thương lòng mà cô đang mang, xoa dịu nỗi đau người mẹ.
Violette có một tổ ấm nhỏ hạnh phúc, một bé gái đáng yêu, lanh lợi. Cả nhà họ làm công việc gác ghi, ngày ngày đóng mở thanh chắn đường tàu … Bỗng một hôm, ngọn lửa đã mang con gái-Léo của cô đi xa mãi khi nó chưa tròn 7 tuổi. Mất đứa con bé bỏng, phần đời còn lại của cô chết theo đứa trẻ, thể xác hao mòn, kiệt quệ, tâm trí lửng lơ, vô định. Ngày ngày cô vùi mình trên giường, không trò chuyện, không ăn uống, nhưng tâm trí cô đang gào thét, nỗi nhớ con quay quắt, trái tim quặn đau theo từng nhịp đập. Giấc mơ cùng con trưởng thành tan biến theo ngọn lửa hung bạo.
Không tin vào kết quả của tòa án, cô lao mình vào điều tra, tự mình tìm ra nguyên nhân gây ra cái chết thực sự của con. Lần tìm trong vô vọng, không dám đối diện trước mộ phần con gái, trái tim cô như vỡ tan từng mảnh. Đau đớn, tuyệt vọng, bất lực trước chính bản thân. Định mệnh đã sắp đặt, cô được chọn làm quản trang, chính nơi nghĩa trang này, đứa con gái ngây thơ của cô yên nghỉ. Violette đến nơi từng khiến trái tim mình thương tổn để rồi mạnh mẽ gượng dậy sau nỗi đau, từng ngày cảm nhận niềm hạnh phúc nhỏ bé, giản đơn nơi nghĩa trang thiêng liêng, nơi người chết chỉ còn trong ký ức những người còn sống, họ mãi ở đó, hiện hữu trong trái tim những người còn có mặt trên cõi đời này.
Mình đã có ý nghĩ dừng lại khi đọc được một nửa cuốn sách? Vì sao ư? Vì “ngoại tình”. Tại sao có thể chung sống với nhau gần nửa cuộc đời, có đứa con chung thông minh, đáng yêu, người chồng yêu thương vợ hết mực, luôn sáng đèn chờ vợ về nhà mỗi ngày. Nhưng Irene, bà vẫn có thể qua đêm và nhung nhớ một người đàn ông khác? Tại sao họ không ly hôn, không giải thoát cho nhau khi không còn yêu, tại sao biết người bạn đời ngoại tình chồng bà vẫn im lặng âm thầm chịu đựng, gặm nhắm nỗi buồn đến cuối đời. Tại sao? Vì trách nhiệm, vì nghĩa vụ với con cái hay vì thể diện …Hai người sống bên nhau đến cuối đời đâu có nghĩa họ đã yêu nhau và hạnh phúc đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Đọc đến những dòng cuối này, bạn sẽ ngạc nhiên khi mình không nhắc đến chồng của Violette trong suốt bài viết. Đi hết hai phần ba cuốn tiểu thuyết, Philippe là một người chồng, người cha “mờ nhạt”. Anh ta vắng mặt hầu như trong mọi công việc thường nhật của gia đình, không trọn vẹn trong việc chăm sóc con gái, không ở cạnh chia sẻ nỗi đau mất con cùng vợ, anh ta dễ dàng tìm thấy niềm vui thể xác bên cạnh những cô gái khác … Valérie Perrin đã tạo một cú twist cho độc giả ở cuối tác phẩm. Vẫn còn yêu, vẫn đau niềm đau chung khi mất con tại sao anh ta lại chọn ôm nỗi đau riêng mình, không chịu mở lòng, không hành động như con tim mách bảo, không dang rộng vòng tay ôm vợ vào lòng, không gục khóc trên vai vợ khi biết nguyên nhân cái chết thực sự của con gái, anh lại chọn cách trốn tránh. Hai người chia tay, đâu phải đã hết yêu.
Khép lại “Hoa vẫn nở mỗi ngày”, những dòng văn đẹp đẽ … chợt thấy lòng nhẹ nhõm đến lạ, hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, hãy yêu thương nhau dài lâu biết đâu ngày mai ta mất nhau.
“Cuộc đời chúng ta là một tuyển tập những bất hạnh lớn lao, những hạnh phúc nhỏ nhoi và rồi đây, những niềm hy vọng”.