Mở đầu của Hóa Thân là một trong những câu mở đầu được yêu thích nhất và luôn nằm trong danh sách “những câu mở đầu hay nhất” mà các trang nổi tiếng viết về sách và các cộng đồng đọc sách chia sẻ. Mình biết đến Hoá Thân là nhờ một lần đi tìm đọc “những câu mở đầu hay nhất trong tác phẩm kinh điển”.
“Một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một côn trùng khổng lồ.”
Cảnh huống đã được Kafka tạo ra “đơn giản” như thế, giống một nét vẽ đầu tiên được phát thảo trên giấy, tiếp theo mọi thứ được dẫn dắt rất tự nhiên: những hệ quả, diễn biến về tâm lý, tình cảm, cách hành xử của con người và của chính Gregor Samsa; mà phía sau đó là những nỗi đau con người và bức tranh xã hội được tô vẽ, phơi bày rõ nét.
Trong hình dáng một con côn trùng kỳ lạ (một vài tranh cãi mình đọc được cho rằng dùng từ côn trùng chưa chuẩn xác, mình không biết tiếng Đức nên chịu!), thật đáng tiếc cho Gregor, đó chẳng phải là một giấc mơ khi còn ngái ngủ như anh nghĩ. Ấy vậy mà khi thực tế được anh chấp nhận, thì điều đầu tiên anh nghĩ tới là công việc chào hàng đều đặn hàng ngày của mình, lo trễ chuyến tàu 5 giờ sáng đi làm và ám ảnh với suy nghĩ lão chủ sẽ tống cổ anh ra khỏi hãng ngay lập tức, cùng lo nghĩ về món nợ bố mẹ anh còn thiếu lão mà theo anh tính toán, phải trả 5-6 năm nữa mới xong. Nhưng Gregor không thể nào biết được, nỗi đau đã bắt đầu dấy lên từ đấy. Gia đình anh sống dựa vào anh, chính xác là nguồn thu nhập anh mang về. Thế nên đối diện với những sự xáo trộn xảy đến chỉ sau một đêm trong khi nghĩa vụ gia đình đặt lên vai Gregor quá lớn, sự sợ hãi của họ dần dần đi từ hình dáng quái lạ của Gregor cho đến nỗi lo tài chính, bởi cuộc sống của họ nằm dưới sự chế ngự gần như hoàn toàn của đồng tiền.
Hành trình của Gregor được miêu tả chi tiết từ lúc lạ lẫm và không thể tự bò xuống giường, cho tới khi quen dần rồi leo lên tường và trần nhà, ăn những đồ thừa ôi thiêu, tức là quá trình thích nghi với đời sống một con vật ở giữa bốn bức tường. Tuy không còn nhân dạng, nhưng Gregor chỉ có cái lốt bọ là hung tợn, trái tim và trí óc anh vẫn là của con người. Anh cảm nhận được tình cảm và sự chăm lo từ em gái, nhưng cũng từ từ nghe được nỗi lo lớn hơn về tiền bạc và chứng kiến những người thân yêu dần trở lên xa lạ.
Cảm giác nghẹn ngào và đớn đau cứ thế dâng lên trong lòng người đọc cùng với cách kể chuyện khoan thai của Franz Kafka. Và nỗi xót xa chạm lên đến đỉnh điểm khi Gregor cố lê thân dù kiệt sức, hướng về phía tiếng đàn violin của em gái, tiếng đàn mà anh đã luôn đau đáu muốn cho em đi học để vun bồi hơn nữa bằng nguồn thu nhập của mình. Những đoạn độc thoại, những suy tư, lo lắng và sợ hãi, tuyệt vọng của Gregor được tác giả miêu tả, phân tích không dồn dập nhưng lại quá khéo léo, sâu sắc. Độc giả càng thấu hiểu nỗi đau của Gregor, họ càng mong kết thúc của một câu chuyện cổ tích.
Suốt diễn biến câu chuyện, gia đình Gregor đi từ sợ hãi, rồi mông lung, hi vọng, rồi dần dà quen đi và ghê tởm chính người ruột thịt của mình, người đã từng lao động cực nhọc như một cái máy để chăm lo cho họ. Sự xa lạ, lạnh lùng của chính những người thân trong gia đình, cảm giác sống mà xa lạ với chính mình vì những guồng quay sinh tồn, trói mình vào nghĩa vụ và tiền bạc…chính là những điều không chỉ nằm lại ở xã hội đầu thế kỷ XX và dường như vẫn song hành trong cuộc sống con người đến tận bây giờ. Sức sống của tác phẩm vì thế chưa bao giờ bị phai mờ.
Chúng ta lại nghe văng vẳng đâu đây những suy tư chua cay của Raxkonikov, nhân vật chính cũng với số phận khắt nghiệt trong tiểu thuyết Tội Ác và Trừng Phạt (Nhà văn Dostoyevsky):
“Họ đã quen rồi. Lúc đầu họ còn khóc đôi chút, nhưng rồi cũng quen đi. Con người vốn đê tiện, cái gì rồi cũng quen được.”
Là một kiệt tác của Franz Kafka, tính đến nay đã hơn 100 năm kể từ khi Hóa Thân ra đời (1915) và được đón nhận, có tầm ảnh hưởng rộng rãi, sẽ không quá khi nói rằng, cách mà Gregor Samsa hóa thân chính là cách mà Franz Kafka đi thẳng vào trái tim và suy nghĩ của độc giả, đau đớn đến thế nhưng trực diện và giàu hình tượng như thế. Kafka đã kể một câu chuyện rất ngắn nhưng đem cả xã hội phơi bày trước mắt độc giả, kể cả những nhân vật chỉ xuất hiện thoáng chốc cũng đầy tính biểu trưng, để chúng ta chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ về ý nghĩa và những phi lý đớn đau của cuộc đời và của kiếp làm người.