Cuối năm cũ, đầu năm mới đọc phải một quyển sách tuy mỏng nhưng quá ư tuyệt vời, mình không chần chừ được mà phải viết tí cảm nhận.
Trời ơi như một vụ nổ vậy, đọc xong quá thất vọng với bản thân vì đến giờ mới tiếp cận thiên tài truyện ngắn Franz Kafka.
Nói thiệt, lúc đầu đọc Hoá thân, cảm thấy hơi nghi hoặc vì sao mà nó… dễ đọc quá. Vốn dĩ đã nghe danh Kafka có năng lực làm điên đầu biết bao thế hệ người đọc và phê bình gia, và bản thân “Hoá thân” được xem như tác phẩm tiêu biểu nhất của Kafka, thế mà trong suốt hơn 120 trang, mình lướt nhẹ như một cơn gió không chút va vấp.
“Hoá thân” không khiến bạn tắc tị vì không hiểu nó viết gì, nhưng nó sẽ níu chân bạn rất lâu sau khi đọc vì những ẩn dụ đáng sợ về xã hội mà nó được thai nghén.
Kafka không dài dòng lê thê, mở đầu tác phẩm, ông cho anh chàng Gregor của mình biến thành gián, mất hết các đặc tính người, chỉ trừ lại khuôn mặt và khả năng nghe hiểu. Gregor vẫn thấy bình thản một cách lạ kỳ, trong khi sự biến đổi của anh gây kinh hoàng cho những người thân, và từ đó, thay đổi cả số phận của rất nhiều người.
Điểm nổi bật nhất mà Kafka xây dựng là những ẩn ý rất hay về gia đình và xã hội ở trong “Hoá thân”. Hình ảnh anh công chức Gregor làm việc đến mụ mị đầu óc phản ánh xã hội kim tiền, nơi mà con người không dám một phút ngơi tay vì sợ bị hất cẳng bất kì lúc nào. Dù biến thành gián nhưng trong thâm tâm Gregor, anh vẫn một lòng hướng đến công việc, vẫn e sợ chuyện của mình sẽ là đề tài dè bỉu của lũ đồng nghiệp ác ôn. Tự dưng đọc đến đây mình lại thấy rất giống với văn hoá làm việc như chết của tụi Nhật :)))
Kafka có những miêu tả về trạng thái tâm lý của các thành viên trong gia đình rất hay. Từ một người con thuận hiếu, toàn tâm lo cho bố mẹ, em gái, nhưng khi lộ diện với hình dạng con gián, tất cả mọi người đều quay lưng với anh. Chỉ trong một sáng, Gregor thất lạc mất cõi người, thất lạc luôn tình thân gia đình. Mọi người không dám nhìn trực diện anh, người bố sẵn sàng xù lông tấn công anh trước vì nghĩ rằng anh chuẩn bị làm hại ông, tất cả đẩy Gregor ngày càng rúc sâu vào căn phòng của anh. Ngay cả người em gái, nhân vật độ lượng nhất ở thời điểm ban đầu của vụ hoá thân, cũng dần lạnh nhạt và quên mất đi phần người trong Gregor. Hình ảnh gia đình mà Kafka xây dựng cũng rất kiểu mẫu, với một người bố gia trưởng và độc tài đến mức cay nghiệt, chi phối những người đàn bà trong gia đình. Hình ảnh người phụ nữ phải chịu sự điều khiển, khiến ngay cả những ước mơ của riêng họ (muốn được thành nhạc sĩ của người em gái) vẫn không được thốt ra.
Đọc “Hoá thân”, cảm thấy nhân thế vô tình đến mức bạc bẽo. Dù là máu mủ ruột rà nhưng gia đình của Gregor xem anh như là quái vật dù đó trong cái thân xác con gián đó, vẫn là người con / người anh thân thuộc. Liệu lớp vỏ ngoại hình lại quan trọng đến mức đó ư? Dường như không chỉ Gregor bị dính chặt bởi lớp vỏ gián mà ai trong “Hoá thân” cũng mang trong mình một lớp mặt nạ của sự thực dụng và quay xe còn nhanh hơn Hải. Nghệ thuật tương phản được Kafka đẩy lên đỉnh cao, giữa người và vật, giữa ngưỡng mộ và khinh bỉ, giữa sáng và tối, giữa ngăn nắp và bừa bộn, giữa rủng rỉnh tiền bạc và khánh kiệt, tất cả những thay đổi diễn ra chóng mặt nhưng rất hợp lý trong ngòi bút không một động tác thừa của Kafka.
À mình cũng để ý con số “3” cũng xuất hiện khá lý thú trong “Hoá thân”, trước hết là sự xuất hiện của 3 người khách trọ lại trong nhà. Những nhân vật này là điểm chốt cho cuộc đời con gián của Gregor, khi chính Gregor-con-gián đã khiến gia đình mất đi thu nhập từ những người khách này để lo cho cuộc sống đang dần khánh kiệt của họ, trong khi trước đây, chính Gregor-con-người xây dựng nên cuộc sống đó cho gia đình. Ngoài ra, nếu để ý thì 3 cũng là số lần thay đổi tâm trạng của các thành viên trong gia đình, từ sự ngưỡng mộ rồi đến sự kinh hoàng và sau cùng là sự thoải mái khi tống được Gregor-con-gián khỏi cuộc đời. Không biết còn “3” gì nữa không nhỉ?
Review của độc giả Tôi tư duy nên tôi đi lùng sách cũ – Nhã Nam reading club