Có lẽ mình sẽ dùng từ “kỳ lạ” để nói về quyển tiểu thuyết này của Milan Kundera. Kỳ lạ vì tưởng khó đọc nhưng lại dễ, song tưởng mình hiểu hết nhưng hóa ra không phải. Nó có một đường dây câu chuyện tưởng rõ ràng với chỉ 4 nhân vật nhưng lối kể của nó thì không theo mạch thời gian thông thường mà loạn lên cả, nhưng kỳ lạ (lại kỳ lạ), nó không làm cho người đọc vất vả mà cứ cuốn theo trang sách.
Đó là Tomas, bác sĩ phẫu thuật, cùng vợ là Tereza, một nhiếp ảnh gia, và người tình Sabina, một họa sĩ tự do và phóng khoáng, và cuối cùng là Franz, người tình của chính Sabina. Mối quan hệ chằng chịt giữa 4 người giống như đường dây của cả tiểu thuyết, và đan xen vào đó là góc nhìn, quan điểm và cách ứng xử của họ với những diễn biến thời cuộc của Mùa xuân Praha, khi Liên Xô tấn công Tiệp Khắc để ngăn phong trào tự do hóa đang diễn ra tại đây, dẫn đến làn sóng di cư lớn trên cả nước, trong đó có các nhân vật chính của Đời nhẹ khôn kham.
Ngay từ đầu, dường như trang nào cũng có một câu gì đó khiến ta dừng lại, và nếu ai mê ghi chú vào sách hay cóp nhặt quote, hẳn sẽ mất rất nhiều thời gian. Chẳng hạn, ngay từ đầu đã có câu hay ho “cái gì xảy ra chỉ một lần tốt hơn đừng bao giờ xảy ra. Chúng ta sống chỉ một lần, tốt hơn đừng bao giờ sống”. Hay như “Sự cần thiết, sự nặng nề và giá trị là ba khái niệm quyện rối vào nhau: chỉ cái gì cần thiết mới có sức nặng, và chỉ cái gì nặng nề mới có giá trị”.
Tomas ngoại tình với rất nhiều người dù đã có vợ, và vì là người phóng túng, không tự dối mình, anh gọi thứ liên hệ của mình với đàn bà “tình bạn xác thịt”, tức quan hệ mà trong đó “tình cảm không có chỗ đứng và không ai có quyền xen lấn vào đời sống cũng như tự do của người kia.” Sabina cũng chia sẻ quan điểm tự do đó, và ở chiều ngược lại, Tereza và Franz lại thích sự ràng buộc với người mình yêu. Nặng hay nhẹ, đến đây thì đã rõ.
Và phải sau gần 200 trang, chúng ta mới biết, thế nào là đời nhẹ khôn kham, khi Kundera nói về bi kịch của Sabina, khi cô bỏ người đàn ông ra đi. Kundera cho rằng “khi cần diễn tả một cảnh huống bi thiết trong cuộc sống, chúng ta thường hay vay mượn ẩn dụ cái gì nặng nề. Chúng ta bảo cái gì đó trở thành một gánh nặng to lớn nhận chìm chúng ta. Chúng ta hoặc gánh vác gánh nặng đó lên vai hoặc thất bại và ngã quỵ theo nó, chúng ta vùng vẫy chống trả, có thể thắng nhưng cũng có thể thua”.
Vậy nhưng, bi kịch của Sabina không đến từ những điều nặng nề mà là, “những điều vô trọng lượng, những điều nhẹ như tơ. Rơi xuống đời cô không phải một gánh nặng mà là cái nhẹ khôn kham của nhân sinh”
Mình định viết nhiều khi vừa đọc xong nhưng chần chừ mãi, giờ thì không viết được nữa. Chỉ có thể tóm gọn mình enjoy cảm giác đọc hết quyển sách in ấn đẹp, dịch đẹp và rất nhẹ theo đúng nghĩa đen này. Đời nhẹ khôn kham là quyển sách đọc xong ta sẽ còn nghĩ về nó mãi, và đương nhiên, chắc sẽ đọc lại vào một lúc nào đó. Trích thêm một đoạn mình khá thích
“Thứ bảy và chủ nhật, anh cảm thấy cái khinh phù ngọt ngào của nhân sinh dâng lên trong anh từ chiều sâu thăm thẳm của tương lai. Thứ hai, anh bị cái sức nặng anh chưa từng nếm trải đè lên người. Hàng tấn sắt thép xe tăng Nga chẳng thấm tháp vào đâu nếu đem so với nó. Bởi không có gì nặng hơn lòng trắc ẩn. Ngay nỗi đau của chính mình cũng không thể nặng bằng nỗi đau mình cảm thấy cho người khác, chịu đựng giùm người khác, mỗi nỗi đau mà cường độ được nhân lên bởi thần trí tưởng tượng và kéo dài ra bởi cả trăm tiếng dội vọng về”