“Tình yêu là bãi chiến trường. Và em sẽ tiếp tục chiến đấu. Cho đến cùng…”
Chắc hẳn, trong số chúng ta, ai ai cũng mong được sở hữu một lần thứ gọi là “tình yêu đích thực”. Một thứ tình yêu tắm mình trong ánh mặt trời, thấm đượm hương cỏ đồng nội, đắm chìm trong bóng mát của những cây du … Một thứ tình yêu cháy rực trong tim, một thứ tình yêu tiếp cho người ta sức mạnh đi đến cùng trời cuối đất …
Nhưng cuộc đời này, với tất cả những khoảng tối và gai nhọn mà nó ẩn giấu, mấy khi đem đến cho ta thứ tình yêu diệu kỳ đến nhường ấy?
Vào một buổi chiều mờ sương của tuổi hai mốt, tôi đã có cơ hội được cầm trên tay một cuốn sách. Bên trong đó, ẩn chứa một thứ tình yêu quá đỗi khác lạ so với thứ tình cảm sáng lấp lánh được khắc họa trong câu chuyện tình của nàng Juliet… Đó là những cuộc tình xoay quanh bốn nhân vật Tomas, Tereza, Sabina và Franz, bốn tri thức trẻ thế hệ cũ của Cộng Hòa Czech, được khắc họa sâu sắc trong cuốn sách mang tên “Đời nhẹ khôn kham” của tác giả Milan Kundera. “Đời nhẹ khôn kham”, có thể được hiểu nôm na, là cuộc đời này nhẹ đến mức không thể kham nổi …
Và đối với các nhân vật trong “Đời nhẹ khôn kham”, tình yêu quả thực là những bãi chiến trường.
Tomas là nhân vật được nhắc đến đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết. Anh xuất hiện với tư cách một người đàn ông đang đứng bên ngưỡng cửa, giang rộng vòng tay và lòng trắc ẩn để đón một cô gái xa lạ vào lòng mình – mà sau đó, là vào cuộc đời mình – Tereza. Anh yêu Tereza như người ta động lòng trước một đứa trẻ trôi dạt xuống dưới chân mình trong chiếc giỏ liễu gai. Anh thương Tereza và ân cần với cô như cách người ta chăm chút một em thơ. Nhưng dù đã lấy Tereza làm vợ, anh cũng thấy không cần thiết phải từ bỏ lối sống từ thuở độc thân của mình.
Trong những trang tiếp theo của cuốn sách, trò chơi chính trường của các nước Đông Âu được miêu tả như một cái nền để mà trên đó, những cuộc mây mưa ong bướm, cũng như những suy tư nặng nhẹ khôn kham của cả bốn nhân vật được kỹ càng dệt nên. Đối với Tomas, làm tình với đàn bà và ngủ với họ là hai chuyện hoàn toàn khác biệt. “Yêu không phải là muốn làm tình, mà là muốn được ngủ chung.” Đêm đêm, anh say ngủ bên cạnh Tereza, người vợ chung tình của mình, nhưng đồng thời, ngày qua ngày, anh làm tình lang chạ với những người đàn bà khác. Vì sao ư? Vì đối với anh, tình yêu và tình dục khác xa nhau như ngày với đêm vậy.
Tereza ngày ngày cam chịu ngủ cùng Tomas, một người chồng lúc nào cũng vảng vất mùi háng đàn bà. Cô gặp ác mộng hàng đêm, vật lộn với những viễn cảnh khi cô rơi xuống hố sâu của cùng cực. Đối với Tereza, hố sâu của cùng cực không phải nghèo đói, cũng không phải cái chết, mà là trở nên nhơ nhuốc và tầm thường …
Cô lo sợ rằng, trong mắt Tomas, mình sẽ trở nên giống y chang như những người đàn bà khác, như xác thịt giống xác thịt, không có tâm hồn, vô tri, vô giác. Vì vậy mà cô yêu sách vở. Cô coi sách vở như một tấm bình phong, như một thực thể với tâm hồn đẹp lấp lánh, che chắn mình khỏi những nhớp nhơ của cuộc sống. Vì vậy mà cô yêu con chó Karenin … Nếu quan hệ giữa người với người thật nhập nhằng, lắt léo, thì quan hệ giữa người với chó thật giản đơn, thuần khiết. Con chó Karenin sẽ luôn ở bên Tereza, luôn trao cho cô những cử chỉ âu yếm, ngày nào cũng như ngày nào, lặp đi lặp lại cho đến khi nó chết.
Sabina xuất hiện với tư cách là một trong vô số người tình của anh chàng Tomas. Cô là người sở hữu chiếc mũ quả dưa màu đen đã xuất hiện trên bìa cuốn sách. Cô thường đội nó khi ngắm nhìn mình bán khỏa thân trước gương, như một trò tiêu khiển vui thú, như một hình thức nhập vai, thoát ly khỏi thực tại trong chốc lát. Và như Milan Kundera đã một lần tự thuật, “Người ao ước thoát ly khỏi nơi mình đang sinh sống là người không hạnh phúc.” Cuộc đời Sabina là một vòng lặp bất tận của những chuỗi ngày phản bội. Cô hứng thú với việc tạo dựng những mối quan hệ, chỉ bởi cô biết rằng, một ngày nào đó, nhất định cô sẽ phản bội lại người ấy. Cuộc đời Sabina nhẹ, nhẹ bẫng, nhẹ như lông hồng, nhẹ như đám tro tàn đã từng là thân xác cô, cuốn bay rải rác trong không trung như thể phù du, như thế cuộc đời cô chưa bao giờ tồn tại.
Ngoài Tomas, Sabina còn sở hữu Franz – một tri thức tâm huyết đương thời – trong bộ sưu tập người tình phong phú của đời mình. “Chúng ta ai cũng cần có người nhìn lên mình” – Milan Kundera nói – “Nhưng Franz lại thuộc dạng thứ tư, dạng người hiếm hoi nhất. Họ sống trong đôi mắt tưởng tượng của người vắng mặt. Họ là những kẻ mộng mơ …” Sau khi chứng kiến sự phản bội của Sabina, anh vẫn không ngừng nghĩ về cô. Thậm chí, anh đã mò đến cả biên giới Campuchia chỉ vì Sabina, để rồi bị hạ sát bởi một kẻ vô danh ở xứ sở xa lạ ấy. “Trong lúc chiếc xe buýt gập ghềnh lăn bánh trên những con đường xứ Thái, anh có cảm tưởng Sabina đang chằm chằm dán mắt vào anh thật lâu.” Anh có cảm tưởng cô đang dõi theo anh, mãn nguyện, tự hào khi chứng kiến anh oai hùng đi đi khắp năm châu để làm công việc thiện nguyện. Nhưng sự thật nào có như vậy: Ở một khung cửa sổ xa xăm nơi một căn hộ mà Franz vĩnh viễn không thể biết tên, Sabina chỉ đang đứng đó, ngây ngất trước ý tưởng về những cuộc phản bội tiếp theo trong cuộc đời mình mà thôi.
Xuyên suốt cả “Đời nhẹ khôn kham”, ta thấy rằng mỗi nhân vật là một hình ảnh ẩn dụ. Tomas và Sabina đại diện cho lớp người sống hiện sinh, là hiện thân cho cái “nhẹ”. Họ sống vì niềm vui và ý muốn của bản thân mỗi ngày, vì đối với họ, cuộc đời thật “nhẹ” – nhẹ đến vô nghĩa, nhẹ đến nỗi xảy ra rồi mà như chưa có gì từng xảy ra. Họ biết rằng, khi họ chết rồi, sẽ không có kiếp sau, và cũng sẽ chẳng có con cháu nào kính cẩn đến viếng mộ họ hết.
Tereza và Franz, ngược lại, là hiện thân cho cái “nặng”. Họ không sống vì những vui thú hão huyền của bản thân, mà sống cho lý tưởng, ngày ngày khao khát rằng mình có thể trở thành một cái gì đó cao cả, tốt đẹp hơn. Tereza và Franz tượng trưng cho thế hệ cũ đầy ắp những lý tưởng và lo âu, còn Tomas và Sabina là tượng trưng cho lớp người mới – một lớp người với tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng, vô lo, luôn tìm kiếm niềm vui và sự tận hưởng.
“Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera là một cuốn sách có những triết lý và suy ngẫm đan xen, nặng nhẹ quấn quýt. Đó là một thiên tiểu thuyết với nhiều hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp, nhiều số phận bi hài. Nếu như được tổng kết lại cuốn sách này trong một câu, tôi xin được mạn phép trích dẫn một câu nói mà tác giả tâm đắc trong cuốn tiểu thuyết. “Einmal ist keinmal: Cái gì xảy ra chỉ một lần tốt hơn đừng bao giờ xảy ra. Chúng ta chỉ sống một lần, tốt hơn là đừng bao giờ sống.”
Nếu bạn có vui thú với nhận định này, xin đừng vội vàng vui thú. Nếu bạn có ưu phiền với nhận định này, cũng xin đừng quá ưu tư. Quanh đi quẩn lại, cuộc đời là như thế, chúng ta chỉ là những hạt cát bụi phù du. Bạn có thể buông xuôi vì rốt cuộc, cuộc đời này không có ý nghĩa gì hết, hoặc bạn có thể coi sự vô nghĩa ấy như một tờ giấy trắng, nơi mà bạn có thể vẽ lên một kiệt tác với những lớp lang ý nghĩa của riêng mình.