Lần đầu đọc tiểu thuyết quan trường, không ngờ thấy hay hơn mong đợi. :”D Mình không hiểu lắm về luật kinh tế nhưng vẫn theo dõi được mạch truyện, nên nếu cậu có ngại ngần vì truyện viết về quan trường nhưng không hiểu luật, thì cũng đừng lo quá nha.
Mạch chính của “Danh nghĩa nhân dân” là vụ án liên quan đến vụ bỏ trốn của Phó thị trưởng thành phố Kinh Châu và thế lực đứng sau tập đoàn Sơn Thuỷ, nói rộng ra thì câu truyện này viết về tình trạng tham nhũng hủ bại ở các quan chức trong bộ máy chính trị tỉnh H tại Trung Quốc. Câu chuyện chủ yếu xoay quanh một đường dây nhận hối lộ, mua quan bán tước phi pháp, lạm dụng chức quyền, dây mơ rễ má từ cả những quan chức cấp cao đã về hưu, lui lại sau vũ đài chính trị cho đến cả những người còn đang tại vị và những cá nhân, doanh nghiệp cùng phân chia lợi ích với họ qua những việc làm phi pháp ấy.
Bắt đầu từ vụ án của một quan chức cấp thấp nhận hối lộ hơn hai trăm triệu, sau đó kéo ra cả một danh sách những người hối lộ và nhận hối lộ khác, Hầu Lượng Bình – Cục trưởng Cục chống Tham nhũng thuộc Viện kiểm sát H cùng đồng nghiệp nhanh chóng lao vào tra án; cùng thời điểm đó, tân bí thư tỉnh uỷ cũng về nhận chức, quyết liệt loại trừ những vấn đề đang tồn tại trong bộ máy chính trị tỉnh H, đặc biệt là vấn đề cán bộ tham nhũng hủ bại.
Làm thế nào để chống tham nhũng? Có cách nào để cảnh tỉnh những người đang lấy danh nghĩa nhân dân để phát biểu và làm việc, nhưng lại làm những việc có lỗi với nhân dân, thu lợi về mình hay không? Những người đang lấy danh nghĩa nhân dân ấy luôn bảo nhau rằng phải luôn đặt nhân dân lên hàng đầu, nhưng đâu phải ai cũng làm được như vậy? Nếu vậy đã không có chuyện cửa sổ ở nơi tiếp dân cố ý bị thiết kế cho thật thấp, khiến người tới khiếu nại phải khom lưng quỳ gối với cán bộ, cũng không có chuyện hàng trăm công nhân đột nhiên mất cổ phần, nhà máy, công việc của mình mà không rõ lí do vì đâu, cũng không có chuyện vì người đầu tư có quan hệ với quan lớn nên được phê duyệt công trình, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái, không có chuyện người đi tìm kiếm bằng chứng để lật tẩy tội ác bị ngay người trong ngành mình ám sát…
Trong “Danh nghĩa nhân dân” có không ít người bị tiền tài làm mờ mắt, quên mất lý tưởng cao đẹp ban đầu của mình mà sa lầy vào vũng bùn tội ác; cũng có không ít người luôn kiên trì với niềm tin với cái tốt, cái thiêng liêng cao cả. Những người đang làm trong bộ máy tỉnh H có mâu thuẫn với nhau, nhưng mâu thuẫn theo nhiều kiểu. Kiểu thường thấy nhất là xung đột lợi ích, người này lo cho dân, người kia lại chỉ bo bo giữ mình; hay là cản trở con đường thăng tiến của nhau. Nhưng ở phương diện khác, đó còn là xung đột trong cách đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề.
Đọc “Danh nghĩa nhân dân”, mình càng sâu sắc hiểu rằng có những việc không giống như vẻ bề ngoài. Có những việc người ngoài nhìn vào thì thấy rất đơn giản, có thể đưa ngay ra giải pháp. Ví dụ, anh có tội, anh không phải một người công chính liêm minh, vậy cách chức và xử án anh ta là xong. Thế nhưng người trong cuộc lại rõ hơn ai hết những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau, bởi vậy mọi hành động, quyết định nơi chính trường đều phải thận trọng. Có bao nhiêu người thật sự trong sạch? Nếu như phải quyết tâm quét ra một lần, sợ rằng bộ máy chính trị được điều hành tầng lớp hàng trăm hàng nghìn con người sẽ bị khuyết thiếu tới mức sụp đổ. Như Bí thư thành uỷ thành phố Kinh Châu cũng đã nói, nếu như cắt chức hàng loạt vậy nhân sự ở đâu ra, lấy người ở đâu ra đắp vào, để tiếp tục chèo chống bộ máy này? Các nhà đầu tư cho công trình của tỉnh, góp phần lớp vào việc tăng GDP và phát triển kinh tế cũng sẽ bị doạ cho chạy mất dép. Một người ngã xuống, có thể cũng sẽ kéo theo vô số hệ luỵ.
Đề cập đến vấn đề tham nhũng nổi cộm, Chu Mai Sâm chỉ ra, lòng tham chính là khởi nguồn của tội ác. Có một đoạn rất hay trong truyện thế này: “Người dân bình thường tham lam một chút bị bắt gặp, chẳng qua chỉ nhất thời ngượng ngùng mà thôi, bị mắng vài câu, chỉ cần nhớ lấy thì sau này vẫn có thể sống tiếp như thường. Người làm quan mà tham lam, đặc biệt là những người đã làm quan to vẫn cứ thò tay táy máy lung tung, thì rất có thể sẽ diễn biến thành tội ác kinh thiên động địa.” Người nắm quyền trong tay mà không có ai áp chế, dần dần sẽ coi việc sử dụng quyền lực của mình là lẽ đương nhiên. Vị trí càng đặc biệt, trách nhiệm phải gánh càng lớn, suy ra những sai sót phạm phải cũng ảnh hưởng hơn người thường rất nhiều.
Một đoạn khác khiến mình ấn tượng là khi các công nhân nhà máy Đại Phong tới biểu tình với chính quyền vì muốn đòi lại quyền lợi từ nhà nước. Theo luật, nhà nước không có trách nhiệm gì với số cổ phần của họ nữa, nhưng họ vẫn cứ ngoan cố biểu tình, lý lẽ là, anh nghĩ cho nhà nước, nhà nước có nghĩ cho anh không? Nhà nước nuôi một lũ tham quan, chúng ta biểu tình chiếm chút quyền lợi không được hay sao? Và thật ra khi đọc, cái khiến mình nơm nớp lo sợ, cuối cùng không hẳn là sự tha hoá của bộ máy chính quyền, mà là sự biến ảo khôn lường của lòng người dân nhà máy Đại Phong. Các nhân vật của Chu Mai Sâm đều được xây dựng rất thực, không phải ai cũng có thể trước sau như một giống Hầu Lượng Bình, hay ông già Trần Nham Thạch dành cả đời tố cáo tham quan Triệu Lập Xuân. Vì lợi ích, ai cũng có thể thay đổi, và đáng buồn là những thay đổi ấy đa số đều tiêu cực.
Hệ thống nhân vật cuốn này khá đồ sộ, mình phải mất một lúc mới nắm được tuyến nhân vật. Hai trang đầu sách có liệt kê nhân vật, nhưng mình nghĩ nên đọc và tự nắm thì ổn hơn là ngồi đối chiếu, sẽ gây gián đoạn khi đọc. Mình thích ông già Trần Nham Thạch nhất, vì sự khảng khái và nhân hậu của ông; tiếc cho Kỳ Đồng Vỹ, Cao Dục Lương nhất vì lý tưởng và con người năm xưa của họ đẹp biết mấy, song cuối cùng vẫn khuất phục trước quyền lực và tiền tài. Ngoài ra mình vẫn băn khoăn Trần Hải – người bị ám sát khi tra án sẽ ra sao, anh sẽ qua khỏi chứ?
Nói chung “Danh nghĩa nhân dân” hay lắm. Nếu cậu đang muốn tìm đọc tiểu thuyết đề tài quan trường, gợi ý cậu đọc cuốn này nha. :”>
Instagram: @_satohsai