Mấy hôm nay thấy nhiều bạn đăng bài về sách của cụ Nguyễn Tuân nên mình cũng muốn đăng bài post này, nhân tiện nếu bạn nào quan tâm thì tìm mua cuốn này mau đi ạ kẻo mấy bữa nữa lại thành hàng hiếm í hic hiccc.
Với phương châm sáng tác “nghệ thuật vị nghệ thuật”, Nguyễn Tuân đã cho thấy cái tinh thần cao đẹp ấy trong tác phẩm Chùa Đàn này của ông. Một Bá Nhỡ dám đàn lên khúc ca đẹp nhất của cuộc đời dù biết cái cây đàn mà anh đang cầm kia, cây đàn có lời nguyền ấy sẽ giết chết anh ở những nhịp điệu cuối cùng. Một cô Tơ từng lẫy lừng tiếng danh nhưng đã thề nguyện sẽ không đàn hát nữa kể từ khi chồng cô mất đi, bởi nghệ thuật với cô là cao cả, giọng hát hay cần được vang lên cùng tiếng đàn xứng đáng, tiếng hát cô Tơ chỉ lại cất lên nếu có người dám cầm cây đàn có lời nguyền của chồng cô lên mà đánh. Một cậu Lãnh đã tìm lại được đời mình trước một cái chết cao đẹp vì nghệ thuật, và sau này thành một Lịnh “điếc”, một Lịnh “cô đơn” nguyện không lấn sâu vào cái tửu sắc xa đọa thêm nữa. Lại có một ngôi chùa nơi ấp Mê Thảo không thờ Phật không thờ tướng mà thờ Đàn – thờ thứ nghệ thuật thiêng liêng ấy. Và một nhân vật “tôi” đầy thấu hiểu với đôi mắt biết nhìn ra cái đẹp và trân trọng cái đẹp. Nguyễn Tuân khiến mình đã yêu nay lại càng thêm yêu văn chương ông, tâm hồn ông và con người ông. “Ra khi người ta đã có một cái tâm sự và lại thiết tha và lại chân thành khi gởi nó vào giấy mực, thì người ta chấp được cả sự tưởng tượng của ngòi bút lành nghề.” Nguyễn Tuân viết Chùa Đàn năm 1945, sau này ông có viết thêm phần mở đầu và phần kết cho tác phẩm, tuy nhiên với cá nhân mình, việc đọc tác phẩm mà không đọc hai phần này cũng không ảnh hưởng gì. Với mình nói mà nói, Nguyễn Tuân vẫn mãi là “bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ” với suốt một đời “đi tìm cái đẹp” đầy trân quý của ông.
Instagram: @chidocsach_