Review sách: CHÚ BÉ MANG PYJAMAS SỌC - John Boyne

Thứ Sáu, 15/09/2023

Chú bé mang pyjamas sọc” là một tác phẩm giản dị không quá đặc sắc về thủ  văn chương, của tác giả John Boyne một cái tên cũng không có gì ghê gớm lắm trên văn đàn thế giới, nhưng đây là tác phẩm yêu thích của rất nhiều độc giả, trong đó có tôi. Thế nhưng bỗng một hôm tôi và khá nhiều độc giả có chút băn khoăn và hoài nghi liệu rằng mình đã sai khi yêu thích nó bởi có ý kiến chỉ ra một số chi tiết sai sự thật trong tác phẩm này. Vì vậy, tôi đã có dịp đọc lại và bất ngờ là nó vẫn mang đến những rung động cảm xúc như lần đầu. Vậy “Chú bé mang pyjamas sọc” – sai hay đúng? Bài viết này như là lời thanh minh cho tác phẩm và cho quan điểm của riêng tôi.

🌹 LA VIE END ROSE

Một độc giả trong group sách của  Reading Club đã thắc mắc về tác phẩm này rằng:

“Bruno sinh năm 1934, cậu 9 tuổi suy ra năm câu chuyện diễn ra là 1942. Trong một chương có nhắc đến việc bà nội cậu hát ca khúc “La Vie En Rose”. Ca khúc này được sáng tác hoàn chỉnh năm 1945. Vậy tác giả Jonh Boyne đã nhầm đúng không mọi người. Hay mình sai?”

Thắc mắc này chứng tỏ một điều rằng có những độc giả đọc sách rất tinh và rất kỹ. Tuy nhiên tôi xin khẳng định luôn tác giả John Boyne không nhầm.

Chúng ta đều biết đến “La Vie En Rose” phát hành vào năm 1945 là ca khúc rất nổi tiếng của danh ca người Pháp Edith Piaf. Nhưng đó không phải là bài hát trong tác phẩm “Chú bé mang pyjamas sọc”. Trong chương 8 – tác phẩm có nhắc đến bài hát “La Vie En Rose cung mi thứ” do bà nội của Bruno hát, không phải là bài hát từ đĩa hay radio, không nhắc đến tác giả cũng như nội dung của bài hát. Có vẻ như John Boyne đã tính trước đến việc độc giả sẽ nghi ngờ về chi tiết hư cấu này, nên tác giả đã viết rất rõ “La Vie En Rose cung mi thứ” khác với ca khúc của Edith Piaf “La Vie En Rose cung la giáng trưởng”. Vậy, tại sao là “La Vie En Rose“ mà không phải là một bài hát khác? Có lẽ rằng, John Boyne muốn lấy tiêu đề của bài hát để miêu tả cho “Cuộc sống màu hồng” trong con mắt của cậu bé Bruno.

Theo tôi, tác giả John Boyne không nhầm, tuy nhiên việc Wikipedia có thể khiến độc giả hiểu nhầm khi trong phần thông tin về ca khúc “La Vie En Rose“ của Edith Piaf có tên “Chú bé mang pyjamas sọc” trong phần danh mục các tác phẩm có nhắc đến ca khúc này. Nhưng phải lưu ý rằng Wikipedia là trang không chính thống và nhiều thông tin trên trang này không chính xác, vì vậy, không đủ để khẳng định “La Vie En Rose” của Edith Piaf được nhắc đến trong “Chú bé mang pyjamas sọc”. Đúng sai thế nào thì “La Vie En Rose” là một chi tiết hay nên đừng quá xét nét nó mà bị ảnh hưởng tới cảm xúc khi đọc tác phẩm này.

❌ HƯ CẤU SAI SỰ THỰC – ĐÚNG CŨNG THÀNH SAI THÔI!

Có độc giả chỉ ra rằng:

“Mình từng đọc và nghiên cứu khá nhiều về chủ để CTTG II và nạn diệt chủng của Phát Xít , cũng đã đích thân đi tham quan 2 trại tập trung của ĐQX tại Ba Lan, vào cả Auschwitz rồi. Cá nhân mình thấy cuốn “Chú bé mang Pyjama Sọc” có nhiều điểm hư cấu chưa đúng với sự thực, không miêu tả được đúng bản chất của thời cuộc.”

Tôi đồng ý với ý kiến này. Chi tiết quan trọng và phi lý nhất trong tác phẩm là 2 đứa trẻ đưa đồ ăn rồi chui qua hàng rào khó có thể xảy ra, bởi như chia sẻ của bạn độc giả trên rằng:

“Hàng rào của Auschwitz đều có dòng điện khoảng 5000 Volt chạy qua, thỉnh thoảng buổi sáng có thể thấy được những tù nhân không chịu được sự dày vò nên họ tự đâm vào hàng rào, xác cháy đen thui.”

Tôi tin tác giả John Boyne cũng biết đến điều này bởi có lẽ anh đã phải nghiên cứu về Auschwitz trước khi sáng tác. Và việc tác phẩm “không miêu tả được đúng bản chất của thời cuộc” thì là do mục đích của tác giả. John Boyne muốn kể một câu chuyện có màu sắc tươi sáng, trong veo qua đôi mắt của trẻ  chứ không nhuốm màu u tối như thực tế đã diễn ra tại Auschwitz.

Phải xét lại rằng, bối cảnh chính của “Chú bé mang pyjama sọc” không phải là Auschwitz mà là phía bên ngoài hàng rào. Tác phẩm dài 250 trang nhưng tác giả chỉ miêu tả rất thoáng qua trong khoảng hơn 2 trang về hàng rào, trại tập trung. Chủ đề chính của tác phẩm không phải về Auschwitz hay tội ác của phát xít Đức. Tác giả chỉ lấy đó làm nền, bối cảnh để làm nổi bật lên câu chuyện về tình bạn, tình người qua nhân vật 2 đứa trẻ.

Vì vậy, như câu hát của  Tâm, với những ai không thích hoặc khi biết sự thật về những cái sai trong tác phẩm, thì nếu đã “hết yêu rồi, đúng cũng thành sai thôi”. Và vẫn có những dộc giả, dù biết đến những chi tiết sai sự thật thì lại càng thêm hiểu và thêm yêu thích tác phẩm này.

📘 GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA TÁC PHẨM

“Chú bé mang pyjama sọc” là câu chuyện hư cấu từ . Công bằng mà nói thì đây là một tác phẩm , nếu chi tiết nào nhà sử học khắt khe thì nhà văn có thể tự do hư cấu trong khuôn khổ. Vì vậy có những chi tiết chúng ta cho rằng là không đúng với thực tế thì nó hoàn toàn có thể xảy ra trong văn học. Tất nhiên dù có hư cấu như thế nào thì trước hết phải đảm bảo tính logic, và nếu có sai với thực tế thì đương nhiên sẽ thiếu thuyết phục hơn. Nhưng, liệu nó có làm hỏng đi giá trị đích thực của tác phẩm? Chắc chắn là không! Bởi với “Chú bé mang pyjama sọc” John Boyne đã viết nên một câu truyện cổ tích hiện đại, chân thực và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Trong câu truyện cổ tích này, cái ác và những thế lực ma quỷ là , Đức quốc xã, trại tập trung hiện lên không như cách chúng ta vẫn thấy, mà nó ẩn giấu qua những trang sách đầy sự hồn nhiên qua đôi mắt ngây thơ của những đứa trẻ. Với cậu bé Bruno những bộ đồ tù nhân chỉ là những bộ pyjama sọc, trùm phát xít Hitler chỉ là một vị khách có tên là “Quốc trưởng”. Với chị gái của cậu thì trại tập trung chỉ là một vùng nông thôn và những gì diễn ra ở đó là một buổi tập kịch. Bằng cách chọn góc nhìn của nhân vật Bruno, tác giả không miêu tả một cách trực diện, rõ ràng và chi tiết về chiến tranh; nên dù chẳng có súng, đạn, tra tấn, cái chết… độc giả vẫn có thể hiểu được hiện thực tàn khốc ở Auschwitz đã bị che khuất bởi cái nhìn hồn nhiên và trong sáng của những đứa trẻ.

Phi lý nhất trong truyện, có lẽ là chi tiết cốt lõi khi tác giả xây dựng hình tượng 2 đứa trẻ có cùng ngày sinh 15-4-1934 và tình cờ gặp nhau trong một bối cảnh rất khó có thể xảy ra trong thực tế. Bruno – một cậu bé người Đức, ở bên ngoài hàng rào; Shmuel – một cậu bé người Do Thái, ở trong hàng rào; làm sao mà chúng lại có thể gặp nhau rất nhiều lần ở khu vực một trại tập trung mà không bị quân lính phát hiện. Chi tiết hư cấu này của tác giả đã thể hiện được nội dung và ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm. Hai đứa trẻ có cùng ngày tháng năm sinh nhưng mỗi đứa lại có một số phận khác nhau và bị ngăn cách bởi chủng tộc, địa vị, đẳng cấp. Nhưng cái nắm tay của Bruno và Shmuel là hình ảnh tuyệt đẹp mà John Boyne đã khắc hoạ lên trong câu chuyện ý nghĩa về tình bạn trong sáng và tình người bình đẳng vượt qua mọi hang rào chia cách.

❤️ NHÌN VÀ THẤY KHÔNG THỰC SỰ GIỐNG NHAU

Đôi khi, đọc văn học cũng giống như câu của cha Bruno đã nói với cậu rằng: ‘nhìn' và ‘thấy' không thực sự giống nhau. Đôi khi chính những hiểu biết của lý trí lại là hàng rào ngăn cách chúng ta cảm nhận tác phẩm. Với “Chú bé mang pyjama sọc” hãy đọc nó bằng đôi mắt của cậu bé 9 tuổi, nhìn cuộc sống một cách giản đơn, ngây thơ; nhưng chúng ta lại phải cảm nhận nó bằng trái tim của một người trưởng thành, đủ để hiểu lịch sử, chiến tranh là gì để từ đó cảm nhận sâu sắc câu chuyện.

Suy cho cùng, chúng ta cũng chỉ nhìn lại lịch sử qua văn chương, qua các cứ liệu còn lại. Cũng như John Boyne, độc giả chúng ta chỉ như cậu bé Bruno nhìn về quá khứ đau buồn ấy từ xa, qua một khung cửa sổ nên chẳng thể hiểu, chẳng thể bao quát hết được những gì đã thực sự diễn ra. Vì vậy, sai hay đúng thế nào thì “Chú bé mang pyjamas sọc” vẫn là một tác phẩm ý nghĩa và mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Review của độc giả Hanh Tran – Nhã Nam reading club

Điều nhỏ bé phi thường

Điều nhỏ bé phi thường

Người bạn phi thường (tựa gốc tiếng Ý: L'amica geniale, tựa tiếng Anh: My Brilliant Friend) là phần mở đầu cho bộ 4 tiểu...

Thứ Hai, 26/08/2024