Một chiều cuối tuần, ngó nghiêng giá sách để tìm một quyển truyện ngắn ngắn, có thể đọc xong trong một buổi chiều, ít nhất cũng phải có một việc gì đó mình đã hoàn thành được trong tuần này. Chú bé mang Pyjama sọc là một lựa chọn với lý do như vậy.
Giới thiệu nhanh về Chú bé mang Pyjama sọc, thì đây là một tác phẩm đã bán được năm triệu bản in trên khắp thế giới, từng đứng đầu các danh sách sách bán chạy uy tín ở cả Mỹ, Anh, Ireland, Australia, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác. Còn về nội dung, nó được đánh giá là một câu chuyện rất khó để miêu tả.
Một câu chuyện tưởng là nhẹ nhàng, đơn thuần kể về tình bạn giữa Bruno- cậu bé con Ngài Chỉ huy của Đức Quốc xã dưới quyền Hitler và Shmuel- cậu bé Do Thái sống trong Trại tập trung. Chúng gặp nhau hàng ngày bên hàng rào thép gai ngăn cách, chia sẻ với nhau những câu chuyện mà các cậu nhóc 9 tuổi vẫn hay nói:
… “Cậu có thích thám hiểm không?” Bruno hỏi sau một giây lát.
“ Tớ chưa bao giờ thật sự làm cuộc thám hiểm nào cả,” Shmuel thừa nhận.
“Khi nào lớn lên tớ sẽ trở thành một nhà thám hiểm,” Bruno nói, gật đầu rất nhanh… “Vấn đề của thám hiểm là người ta phải biết liệu thứ mà mình vừa tìm thấy có đáng được tìm thấy hay không. Một số thứ cứ ở yên đó, chỉ bận tâm đến việc riêng của nó, chờ đợi được khám phá ra. Giống như châu Mỹ ấy. Còn một số thứ khác thì có lẽ tốt nhất nên được để ở đó. Ví dụ như con chuột chết đằng sau tủ bát.”
“Tớ nghĩ tớ thuộc vào nhóm thứ nhất,” Shmuel nói…
Bruno hồn nhiên, luôn có chút ghen tị với Shmuel khi biết bên kia hàng rào thép gai có hàng trăm cậu bé, Shmuel luôn có bạn chơi cùng, chẳng hề cô đơn như cậu. Còn Shmuel, với những gì đã trải qua, đủ tinh ý để không nói quá nhiều sự thật cho cậu bạn thân nhất… Cho đến một ngày, khi Bruno phải quay về Berlin cùng gia đình, hai cậu bé quyết định cùng nhau thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên và cũng là cuối cùng: cuộc sống thật sự bên kia hàng rào thép gai của Shmuel…
Không có cảnh đẫm máu nào trong toàn bộ câu chuyện, nhưng sự tàn khốc của chiến tranh được tố cáo mạnh mẽ qua từng câu chữ…
Đừng để những lời văn nhẹ nhàng, lối kể chuyện giản dị đánh lừa đây là một câu chuyện dễ đọc, dễ quên. Sức nặng thực sự nằm ở 3 trang cuối cùng của truyện, một cái kết có thể gây choáng váng đến vài ngày sau đó.
Và như một phản ứng tự nhiên, khi đọc xong những trang cuối, mình ngồi google đọc về bối cảnh của truyện, về lò thiêu Holocaust… Cho dù là ở đâu, hậu quả chiến tranh để lại vẫn luôn là những nỗi đau. Một câu chuyện nhỏ, ngắn gọn chỉ trong hơn 200 trang sách lại có thể dẫn dắt, khơi gợi lại một lịch sử đau thương như thế, khơi động đến tâm thức người đọc hơn cả những con số thống kê rằng bao nhiêu người đã ngã xuống…
Hy vọng rằng chẳng có chuyện gì giống như thế còn có thể xảy ra nữa.
Trong ngày tháng và thời đại này thì không.