Tại sao chúng ta lại đang sống trong thời đại của những bức tường?
Để trả lời câu hỏi này, Tim Marshall đã viết 1 cuốn sách dày gần 400 trang để liệt kê những lý do mà những bức tường được dựng lên trên biên giới các quốc gia và vùng lãnh thổ, nào là sắc tộc, tôn giáo, chênh lệch giàu nghèo, mâu thuẫn chính trị vân vân và mây mây….Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ có thể đơn giản và tóm gọn nó bằng 1 hình ảnh tương quan: “nhà em có hoa vàng trước ngõ, tường đầy mảnh chai, chó lai ai dám vào?”. Đấy, ngay đến ngôi nhà của chúng ta cũng có tường rào, kín cổng cao tường, cửa đóng then cài cơ mà. Để làm gì? Để giữ sự riêng tư, tránh người lạ (hoặc kể cả người quen) đột nhập ko xin phép, và trên hết – là để chống trộm! Thế nên các quốc gia, các vùng lãnh thổ cũng có tường rào vì lý do tương tự, nhưng ở 1 tầm mức khác thôi. Tất nhiên, vì nghĩ đơn giản thế nên tôi mới ko viết được sách.
Vậy, những bức tường thì sao? Sao phải quan tâm nó? Nó ảnh hưởng gì đến chúng ta?
Cũng đơn giản thôi, nó CHIA RẼ!
Những bức tường cô lập chúng ta thành những ốc đảo riêng biệt, và vô tình điều đó đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa của nhân loại, ngược lại với thời đại thông tin kết nối con người. Thật kì lạ khi mà trong thời đại mà tưởng như những đường biên phải mờ đi, thì những bức tường lại được dựng lên. Và loài người cứ như bước vào vòng lặp ko lối thoát, quẩn quanh trong những bức tường như từ ngàn xưa vẫn thế: vạn lý trường thành, trường thành Hadrian, bức tường đại Zimbabwe…
Thực ra cũng dễ hiểu thôi, vì cho dù đã tiến những bước dài so với Tần Thủy Hoàng hay đế chế La Mã thì nhân loại vẫn chưa thoát khỏi những khái niệm: quốc gia, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, niềm tự hào, và ý chí con người!…thế nên những bức tường, những hàng rào vẫn còn đó như 1 lẽ dĩ nhiên – còn trộm cắp thì còn xây tường, còn khóa cửa.
Vậy khi nào thì những bức tường hạ xuống?
Khi bức tường Berlin đổ xuống, nước Đức tưởng như thống nhất, người dân 2 miền Đông – Tây như vỡ òa trong hạnh phúc. Nhưng tất cả sớm nhận ra, bức tường vật lý kia – trong suốt thời gian tồn tại của nó – đã hình thành nên những bức tường vô hình khác, khó phá bỏ hơn nhiều (vì nó vô hình), và sự chia rẽ, sự khác biệt là ko thể lấp đầy một sớm một chiều. Bức tường Berlin cũng ko phải thành lũy vật lý cuối cùng bị kéo đổ, vì rất nhanh sau đó, hàng loạt bức tường khác được dựng lên: bức tường tai tiếng giữa Mỹ và Mexico, hàng rào Hungary và Serbia, hàng rào Jordan và Syria..v..v..
Những hàng rào biên giới này chỉ hạ xuống khi nhà bạn ko còn phải có tường rào, ko phải khóa cổng, khi thế giới đại đồng, anh em bốn bể một nhà, khi trái đất thành địa đàng trần gian, khi đoàn tàu XHCN về đích, khi chúng ta làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, khi ko còn nhà nước, ko còn tôn giáo, ko còn nhà tù, ko còn chính trị gia cũng ko còn trộm cắp tội phạm, khi quyền lực và của cải chia đều, ko còn giàu nghèo, ko còn….thôi tóm lại là khi ko còn gì cả, thậm chí ko còn con người nữa thì mới đạt được chứ nghe hư cấu quá! (nhà chỉ ko cần tường, cổng, khi ko có trộm cắp hoặc chẳng còn gì để lấy, hoặc là nhà hoang – đơn giản thế thôi). Chỉ một trong số những yếu tố trên ở trạng thái “ko còn” đã là nan đề rồi, cho nên cá nhân tôi nghĩ để đạt được trạng thái cân bằng tuyệt đối đó là 1 điều không tưởng! Trừ khi con người trở thành máy móc hết. Thế nên, chúng ta cứ xác định là chúng ta đã, đang và sẽ còn phải sống với sự hiện hữu của những bức tường thêm nhiều nhiều năm nữa, cho đến khi thế giới đại đồng xảy ra, hoặc cho đến khi loài người biến mất – tùy điều kiện nào đến trước (mà tôi nghi ngờ rằng sẽ là điều kiện sau – và với loài người thì như thế có nghĩa là những bức tường sẽ tồn tại mãi mãi trong sự sống của chúng ta)
Tôi cứ ví dụ bá láp vậy chứ trong cuốn sách này tác giả phân tích rộng lắm, thế mới dày gần 400 trang được chứ. Cuốn sách này tôi đánh giá là sâu sắc và kỹ lưỡng hơn nhiều so với Những tù nhân của địa lý, dù chủ đề vẫn là những đường biên sặc mùi lợi ích quốc gia dân tộc mà thôi. Phần dịch thuật và biên tập cũng ổn, gãy gọn dễ hiểu, trừ một vài đoạn vẫn nghe giống giống google translate, và 1 số lỗi chính tả. Có điều là tác giả thể hiện quan điểm chống Cộng khá rõ và thường tìm cơ hội để hướng mũi dùi chỉ trích về phía Nga, nên ko được khách quan lắm, và giúp tôi khẳng định thêm 1 lần về khả năng truyền thông ru ngủ, định hướng của tư bản phương Tây phải nói là quá đỉnhhhhh!
Ở đoạn cuối tác giả có dẫn 1 câu châm ngôn: “hàng rào tốt láng giềng tốt” để khái quát hóa tư tưởng “bức tường” của các quốc gia hiện nay. Tôi thì lại nghĩ đến 1 câu khác, thú vị ko kém: “không biết lo xa ắt gặp mối họa gần” – một câu nói mà tôi nghĩ ở giai đoạn nào, dù mang tư tưởng trái ngược nhau (duy trì bức tường hay phá vỡ những bức tường) thì đều đúng, hãy cứ thử ngẫm mà xem.
Vĩ thanh
Khi tôi viết những dòng này, là tôi đã thừa nhận ý thức hệ “dân tộc chủ nghĩa” của mình, tôi cũng hiểu những kẻ như tôi ko thể phá bỏ những bức tường, nhưng….
Chiến tranh chia cắt 2 miền đã trôi qua gần nửa thế kỉ, mà những chia rẽ chưa bao giờ được tháo bỏ hoàn toàn trên dải đất này, vẫn còn đó bức tường của phẫn uất, khinh miệt, hận thù và tủi hổ – bức tường “Nam kỳ – Bắc kỳ”. Bởi vậy, tôi mong mình sai, mong việc bỏ đi (duy chỉ) những bức tường ngăn cách quê hương ko phải là ảo vọng, mong tôi, hoặc con tôi, cháu tôi có đủ thời gian để “Chờ nhìn quê hương sáng chói”, để “Những dấu căm hờn xưa nhạt mờ”.
P/s: ảnh mạng.