Review sách: CẬU BÉ MẶC VÁY – David Walliams

Thứ Sáu, 15/09/2023

Sau khi đọc cuốn Con nhân mã ở trong vườn, mình cảm thấy cần cân bằng lại, mình không nói cuốn sách ấy tồi tệ hay không, ngược lại nó rất tuyệt vì nó đã “bắt” mình cần suy nghĩ lại về bản thân mình, về những ngày mình đang sống, về con đường mình sẽ đi. Và mình tìm đến David Walliams để đầu óc mình được giãn ra một chút vì ít nhất mình sẽ về đến thế giới trẻ  một chút, hài hước một chút, suy ngẫm một chút. Lòng mình dạo này trùng xuống một chút vì mình chuẩn bị đón mùa bận thứ hai của cuộc đời một người đi làm tư vấn thuế. Nói chung là nói khác đi gần như là một kiểm toán đi.

Ngay khi đọc nhan đề trong đầu mình hiện ra vô số câu hỏi: Chú bé mặc váy là chú bé do tính cách giống con gái hay chú bé thuộc LGBT+ ủa chứ còn nguyên nhân gì khác nữa nhỉ. Hay chú bé có sở thích khác thường, cũng không phải nốt.

Chú bé mặc váy kể về một chú bé Dennis bình thường, chú bé sống trong một gia đình bình thường, trong một khu phố bình thường.

 bắt đầu khi mẹ cậu bỏ đi và cậu bé thèm hơi ấm của mẹ, thèm được mẹ ôm. Bất cứ đứa trẻ nào, mình nghĩ rằng cũng đều mong muốn được sà vào lòng mẹ, vì tại đó thật yên bình và ấm áp. Trong kí ức mờ nhạt của một đứa 22 tuổi là mình vẫn nhớ mang máng hơn mười năm trước mình cũng thèm muốn được mẹ ôm mặc dù mình sống đủ đầy ấm áp với ông bà, khi bố mẹ đi làm xa. Mỗi người chọn đối mặt với nỗi đau và sự thiếu vắng theo cách khác nhau, như John chọn không nhắc đến, như bố chọn đốt sạch bức ảnh. Nhưng gò ép, chối bỏ kí ức mình nghĩ rằng không thể khỏa lấp đi nỗi đau, nó vẫn nén lại và như một mồi lửa dễ cháy sẽ bùng lên bất cứ lúc nào. Tấm ảnh của mẹ mặc chiếc váy rạng ngời, tấm ảnh gia đình khi còn vui vẻ may mắn vẫn còn để là nguồn an ủi với cậu Dennis bé bỏng.

Và rồi từ kí ức nhớ về mẹ trong chiếc váy xinh đẹp, cậu muốn đọc đến tạp chí Vouge với vô số hình ảnh đẹp về váy vóc quần áo. Bản thân mình cũng từng dán mắt vào những quyển báo, tuổi thơ của mình từng ngập tràn sắc màu với những tờ báo khi smartphone hay ipad chưa quá thịnh hành hay nói cách khác là chưa có. Hồi ấy mình dán mắt vào những câu chuyện tình yêu và đầy chuyên mục khác, còn cậu bé Dennis hứng thú với những chiếc váy sắc màu. Nhưng trong mắt người khác, cụ thể là với bố đó là sở thích không phải của một cậu con trai. Và từ khi có trong tay cuốn tạp chí, Dennis đã bắt đầu nghĩ đến sự khác biệt. Thực ra mình luôn nghĩ con người luôn có cái tôi của bản thân, chính vì vậy trong đời sống có lẽ một giây một phút nào đó ta không muốn hòa vào một đám đông mà trở nên mờ nhạt, nhưng ta cũng e ngại vì sợ ta thành dị biệt nếu chẳng may khác với định kiến của mọi người, những định kiến thâm căn cố đế tách biệt là con gái phải thế này, con trai lẽ ra phải thế kia. Dennis đã nhen nhóm đến sự khác biệt, câu còn hỏi cả người bạn thân của mình.

Và chính Lisa là người đã thổi bùng ham muốn ấy, quả thật khi mình đọc cuốn sách này, hóa ra bản thân mình vốn dĩ cũng đầy định kiến, chúng ta sinh ra vốn dĩ đơn thuần nhưng sau này lớn dần ta vô tình nhốt mình vào một chiếc lồng, một trong những chiếc lồng là định kiến, là lo sợ ta khác với tiêu chuẩn mà ai đó đặt ra. Chú bé Dennis vốn cũng không phải thuộc giới tính thứ 3 hay cái gì, cậu vẫn ham mê đá bóng, cậu vẫn ngân lên nhịp đập của tình yêu với Lisa, ngưỡng mộ với Lisa. Đơn giản cậu cảm thấy hứng thú với những chiếc váy. Nhưng rồi chính sự vụng về ấy khiến cậu vô tình tổn thương cô giáo, gây ra sự hỗn loạn bởi vì cậu đã khác người khác với tiêu chuẩn là chỉ con gái mới được mặc váy. Cậu bị đuổi học.

Nhưng cậu đã có những người bán, thật vui khi thế giới cười nhạo vẫn có người bạn cố gắng đến bên cậu và nói rằng vẫn là bạn kể cả khi trông cậu có những sở thích khác lạ. Ấy là Darvesh. Trong những năm tháng khi mình vẫn còn bị những ám ảnh  bủa vây lấy, khi mình vẫn còn chưa hiểu mình sẽ làm gì, mình như một con nhím gai thì thật may vẫn có những người bạn đại học, cùng câu lạc bộ giúp đỡ mình. Và khi đọc đến đoạn Darvesh đến và khẳng định tình bạn như vậy, bất giác mình mỉm cười. Hình như hôm nay Hà Nội thiếu đi tia nắng như mọi hôm, trời lạnh hơn nhưng lòng mình thấy ấm áp vì câu chuyện của David Walliams, trùng hợp là mình còn thích cả câu chuyện của người kể chuyện lừng danh Roald Dahl.

Câu chuyện này của David còn đặc biệt ở chỗ, người lớn đọc cũng để suy ngẫm

– Bố của Dennis chìm trong nỗi buồn, chìm trong u uất. Mình cũng không biết thế giới của mình khi bước chân vào thế giới hôn nhân sẽ ra sao, nhưng mình hiểu rằng thế giới của bố Dennis thi thoảng cũng cô đơn, và nhiều khi chúng ta luôn muốn tự ôm nỗi buồn sống buông thả một chút, nhưng bố không thể sống buông thả, bởi vẫn còn Dennis và John. Khi cậu bé bị cười nhạo, bị đuổi học, có lẽ bố đã thấy rằng Dennis cần vòng tay của bố nữa, cần sự yêu thương của bố.

– Mẹ của Darvesh, một người mẹ yêu con có vẻ thái qua nhưng cô có lẽ giống rất nhiều ông bố bà mẹ yêu con khác, mình thích mẹ của Darvesh ở điểm nữa đó chính là cô tôn trọng sự khác biệt

Câu chuyện Chú bé mặc váy – một cuốn sách chưa đến 200 trang nhưng một lần nữa phá bỏ định kiến ở chính mình trước, phá bỏ những rào cản của mình. Và thú thật rằng, mình 22 tuổi nhưng mình vẫn thích đồ chơi, vẫn thích búp bê và đọc những câu chuyện cổ tích – những sở thích mà theo mọi người nghĩ rằng chỉ dành cho trẻ con. Mình đã từng e ngại vì chính sở thích đọc sách vì sợ bị nghĩ là mọt sách, mình cũng từng e ngại khi đội chiếc mũ kiểu  đến trường vì thấy không ai đội, mình đã giấu đi sau lưng để rồi mình mất chiếc mũ ấy mãi mãi. Mình cũng e ngại nhiều thứ vì sống với định kiến rằng người lớn phải mặc thế này, thích cái kia. Nhưng sau dần, mình thấy rằng điều đó thật mệt mỏi và sống với chính những định kiến đó khiến ta e ngại với nhau, ngại vì sợ bị đánh giá, ngại vì danh dự. Và chính những sự e ngại đó khiến ta xa cách. Không chỉ sở thích mà mình nghĩ rằng không chỉ con trai không được khóc, hay con gái phải thế này thế kia. Mình nghĩ rằng cuộc sống thiếu đi sự tôn trọng, chỉ lấp đầy bằng định kiến và đánh giá sẽ không phải cuộc sống tốt.

Hơn nữa trong câu chuyện này, thầy hiệu trưởng rõ ràng đã hơi bất công khi tự cho mình quyền được ra lệnh bởi những đứa trẻ không có quyền làm những điều như vậy. Cuốn cuốn sách xinh đẹp này còn có một bí mật thật lớn và mình không muốn bật mí tại đây. Nhưng mình muốn nói rằng, đôi lúc trẻ con sẽ là người quan sát và đánh giá người lớn.

Quên mất trong câu chuyện này chúng ta lại được gặp bác Raj, người bán hàng có vô số chương trình khuyến mại, người bán hàng gặp gỡ nhiều đứa trẻ – nhiều câu chuyện khác nhau. Và mình mong chờ lại gặp lại trong một cuốn sách khác của David Walliams.

Review của độc giả Bùi Nga Quỳnh Anh – Nhã Nam reading club

Hoang vu giữa thành phố lớn

Hoang vu giữa thành phố lớn

Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền...

Thứ Ba, 03/12/2024