Điểm đánh giá: 4,75 ⭐
ĐÂY LÀ MỘT CÂU CHUYỆN TÂM LÝ KỲ ẢO TÀN NHẪN
Khi gấp cuốn sách Bí Mật Của NAOKO lại, mắt đã không nhìn thấy chữ nhưng hình ảnh cả câu chuyện vẫn hiện rõ mồn một trong tâm trí, một cái kết sẽ làm hụt hẫng với rất rất nhiều người. Tất nhiên, có cả tôi. Nhiều ngày sau đó tôi vẫn bị ám ảnh với cái kết của câu chuyện, những lúc vậy, đã từng nổi máu văn chương viết ra vài cái kết khác nhau theo cảm nhận chủ quan… nhưng cuối cùng vẫn thấy cái kết của tác giả Keigo là hợp lý nhất. Tôi có gia đình, đã lên chức bố và, tôi rất đau, rất xót xa với nỗi đau của người chồng (Heisuke). Nhưng, từ từ hãy phán xét, hoá ra…sự hy sinh lớn lao lại nằm ở Naoko, ít nhất là theo đánh giá chủ quan của tôi.
Chẳng có tác phẩm văn học nào làm hài lòng tất cả các độc giả đâu. Cuộc sống mà, rác của nhà này đôi khi lại là thực phẩm chức năng của nhiều nhà khác. Sách cũng thế, tuyệt phẩm của người này, hoá ra chỉ là bình thường, thậm chí chỉ là tầm thường với ai đó mà thôi. Với Bí Mật Của Naoko, nhiều người còn mỉa mai rằng, không biết sách đoạt giải ở cái điểm gì nữa. Theo tôi, sự sáng tạo ra 1 kịch bản như cuốn tiểu thuyết này thôi coi như đã chạm 1 tay đến giải thưởng rồi, phần còn lại, như mọi lần, trí tuệ của Keigo sẽ dẫn dụ ta đến với những câu chuyện kỳ lạ, cuốn chúng ta vào thế giới nội tâm của các nhân vật do chính ông tạo ra.
Bi kịch bắt đầu từ một vụ tai nạn giao thông bất ngờ giáng xuống gia đình Heisuke khiến vợ anh chết, đứa con hôn mê và có khả năng phải sống đời sống thực vật cả đời. Trong chớp mắt, tất cả mọi thứ đã thay đổi, cuộc sống êm đềm, bình dị đều tan biến nhường cho thế giới thực tại trần trụi, tàn nhẫn.
Trong ngôi nhà của họ. Họ là vợ chồng. Ra ngoài xã hội, họ là bố con.
Nếu quan hệ ân ái. Với họ, mặc nhiên là quan hệ vợ chồng. Còn với xã hội, đó là loạn luân.
Nếu họ sanh đứa con thứ 2, với họ, đó là con họ. Với xã hội, ông chồng vừa là ông, vừa là bố của đứa bé.
Nếu Heisuke chấp nhận Naoko như con gái mình và đi bước nữa, liệu Naoko có đủ cao thượng để nhìn chồng mình hằng đêm ngủ với một người phụ nữ khác không? Lại còn phải gọi cha, thưa mẹ nữa – nghĩ thôi cũng đủ nhũn não.
Và, bắt đầu cả 2 tính toán hy sinh cho nhau. Trước tiên, bà vợ sẵn sàng mang tiếng phụ chồng bằng cách chối bỏ thân phận NAOKO. Cô ấy nghĩ, khi phụ tình anh ấy cũng là tặng tự do cho anh ấy. Đây là sự hy sinh cao cả nhé. Dũng cảm phản bội trước.
Ông chồng, thất bại trong quá trình thích nghi với hiện thực oái ăm, tàn nhẫn, cuối cùng cũng chấp nhận kết duyên vợ mình cho người khác. Chắc anh ta đang nghĩ anh ta cao thượng. Nhầm. Nếu bà vợ không dũng cảm mang tiếng phụ chồng, anh chồng không đủ dũng khí để buông. Và cuộc sống lại luẩn quẩn, bế tắc.
Câu chuyện đi từ bối cảnh phi thực tế. Người đọc cũng phải tiếp cận 1 cách phi thực tế. Nếu không ai dũng cảm phụ ai, thì họ chẳng có lối thoát. Hãy tưởng tượng sau khi cưới, họ sẽ tránh gặp nhau để quên đi quá khứ, ông chồng sẽ đi thật xa, hoặc bà vợ sẽ đi thật xa với cuộc hôn nhân mới. Mới đầu, cứ tưởng nghiệt ngã cho ông chồng, thực ra anh chồng dễ yêu người khác hơn vì có cớ để nói rằng anh ấy bị phụ tình, anh ấy có quyền mưu cầu hạnh phúc. Còn cô vợ, nếu ông chồng đi bước nữa, kết hôn với ai đó, cô ta sẽ hài lòng vì đó chính là mong ước cô ấy muốn anh được bù đắp, đó cũng là cái tự do cô nguyện dâng tặng cho anh ấy. Điều tồi tệ nhất của kịch bản là anh chồng không thể yêu ai khác, không cưới ai, sống cô độc một mình với nỗi đau trong suốt phần đời còn lại, thì cô sẽ mãi day dứt và luôn sống trong tâm trạng của người phụ tình. Sự hy sinh của cô ấy trở thành vô nghĩa.
Keigo lại 1 lần nữa đưa ra một cái kết mở gây choáng váng, đầy trăn trở và chơi vơi. Trí tưởng tượng của bạn đã vẽ ra 1 cái kết vẹn toàn nào khác cho Heisuke & Naoko chưa?