David Walliams và minh hoạ của ông – Tony Ross, một lần nữa, vẫn không hề biết cách để làm tớ thất vọng. Sau khi đọc đến trang cuối rồi gấp “Bà bác khủng khiếp” lại, tớ phải tự hỏi lại mình, rằng lý do gì khiến tớ đắn đo đến thế lúc bấm chốt đơn quyển sách này? Trong khi nó hoàn toàn xứng đáng với những gì tớ mong đợi.
À, thì tất nhiên cuốn sách không phải siêu phẩm văn học kinh điển, cũng chẳng mang giá trị nhân văn cứu rỗi loài người. Tất nhiên là thế rồi. “Bà bác khủng khiếp” chỉ đơn giản là một câu chuyện cho thiếu nhi, viết về một cô tiểu thư phải đối đầu với bà bác ác ôn của mình trong một cuộc chiến gia tộc rõ ràng chẳng cân sức tẹo nào. Plot của “Bà bác khủng khiếp” đơn giản đến mức đọc vài trang đầu mà người ta có thể lờ mờ đoán được cái kết luôn rồi. Thông điệp của câu chuyện cũng không phải điều quá mới mẻ, vì tớ nhớ là đã gặp nó ở đâu đấy trong những cuốn truyện thiếu nhi khác rồi. Vậy thì vì lý do gì tớ vẫn đổ gục trước em nó, ngoan ngoãn nộp tiền cho Nhã Nam, ngấu nghiến em nó trong một buổi tối rồi viết hẳn thành một bài dài thòng long như thế này?
Đấy là vì, vẫn như mọi khi, phong cách kể chuyện tuyệt vời ông mặt giời của David Walliams khiến một câu chuyện đơn giản trở nên hấp dẫn đến lạ lùng. Tận dụng khả năng của một diễn viên hài, ông đã biến con đường đi từ điểm bắt đầu A đến kết thúc B không còn là một đường thẳng đơn điều nữa, nó uốn lượn vòng vèo y như một chuyển tàu lượn siêu tốc vậy. Nó ngoặt chỗ này một tẹo, chỗ kia một chút, đôi khi xông vào những đường hầm tối tăm, rồi lại lao ra những khung cảnh xinh đẹp bất ngờ. Với lợi thế của một tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, sự chỉ đường ngoằn nghoèo của tác giả không hề làm độc giả sốt ruột mà chỉ khiến chúng ta tạm thời buông hết buồn phiền đi mà đắm mình vào trong cuộc phiêu lưu này.
Ngôn ngữ là sức mạnh, và với những bức tranh minh hoạ của Tony Ross, ngôn ngữ của David Walliams như được buff thêm vài chục phần trăm công lực nữa, khi chúng biến thế giới trong cuốn sách trở thành nơi tràn đầy hình ảnh và sắc màu. Trên chuyển hành trình đi từ trang một đến trang 400 (Đừng lo, 400 trong nhưng đọc nhanh lắm), tớ không ít lần phải bật cười với khiếu hài hước duyên dáng được tẩm đấm trong những câu chữ nhìn có vẻ hết sức bình thường. Tác giả luôn biết cách để cù tớ một phát vào những lúc bất ngờ nhất, thế thì tớ làm sao mà đỡ nổi.
Thêm vào đó, trong quá trình đọc sách tớ cũng nhận ra đây là một cuốn sách khá đen tối và ẩn chứa không ít điều bi kịch, (Ít nhất so với một câu chuyện dành cho trẻ em thì nồng độ dark này tớ thấy hơi cao). Vì câu chuyện được kể duói điểm nhìn của một đứa trẻ nên mọi thứ có vẻ nhẹ nhàng, lắm lúc như một trò chơi đánh quái vật trong game vậy. Nhưng nếu đổi góc nhìn một chút, hoặc thử đưa cốt truyện này cho Steven King mà xem? Tớ cá là nó cũng rợn tóc gáy ra trò đấy! Và việc này không phải điều thú vị hay sao? Khi tươi vui và đen tối, hài hước và bi kịch, cái chết và sự sống – những thứ đối lập chan chán lại được hoà quyện với nhau chuẩn chỉ như cà phê với sữa Ngôi Sao Phương Nam.
Lâu quá rồi chẳng viết lách gì nữa nên câu chữ của tớ đang đấm tớ túi bụi. Còn rất nhiều điều muốn nói nhưng cũng chẳng biết nói tiếp thế nào. Tóm lại thì cuốn sách này là một sự lựa chọn không tồi cho ai muốn tìm một chút giải trí sau ngày dài mệt mỏi, cũng là liều thuốc bổ cho ai đang lỡ buồn trong lòng.
Thấy trang cuối sách bảo năm nay Nhã Nam còn cho ra thêm vài quyển nữa của David Walliams, tớ đã sẵn sàng tiếp chiêu rồi!