Chỉ yêu nhau thôi không đủ. Người ta không thể chỉ đi tới được nhau. Bởi nếu như vậy, sẽ là chấm hết. Người ta phải cùng đi tới một cái gì khác, một cái gì đẹp, một cái gì hữu ích cho nhau khi người ta cùng có ích cho người khác.
(Tiếng hát – Lưu Quang Vũ)
GIỚI THIỆU CHUNG
Anh Phải Sống ra mắt bạn đọc vào năm 1934, sau chuỗi thành thành công vang dội từ hai tiểu thuyết Gánh Hàng Hoa và Đời Mưa Gió của đôi bạn thân Khái Hưng và Nhất Linh. Với 13 truyện ngắn bao gồm 1 truyện viết chung và 12 truyện viết riêng lẻ được hai nhà văn luân phiên nhau sáng tác, tập truyện Anh Phải Sống đào sâu vào thế giới nội tâm phức tạp và những quan niệm muôn màu của con người về ái tình, qua đó đề cao phẩm chất cao thượng và trượng nghĩa truyền thống của người Việt Nam. Với tôn chỉ đặt mục tiêu giải phóng phụ nữ lên hàng đầu, nhân vật trung tâm của tác phẩm xoay quanh hình tượng người phụ nữ, với nét đẹp dịu dàng đằm thắm và đức hy sinh âm thầm mà cao thượng muôn đời ca tụng.
Một điều thú vị là, ở bản in lần đầu do An Nam Xuất Bản Cục phát hành năm 1934, còn có sự góp mặt của nhà văn Tứ Ly (Hoàng Đạo – em trai Nhất Linh) với hai truyện Nùng Chi Lan và Cánh Buồm Trắng. Tuy nhiên tên của ông lại không được góp mặt trên tiêu đề cuốn sách. Và cho đến bản tái bản của NXB Phượng Giang năm 1958, hai truyện ngắn của ông đã hoàn toàn biến mất, để lại dấu hỏi lớn về các tác phẩm đầu tay của một trong những trụ cột lớn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
NHỮNG CHUYỆN TÌNH ĐẸP MÀ BUỒN
Anh Phải Sống, một tựa đề mang tính mệnh lệnh, thúc giục nhưng cũng gợi người đọc mường tượng đến cảnh lâm ly bi thiết, cảnh lứa đôi chia lìa bên rìa sinh tử cận kề. Một khoảnh khắc mà mọi ý niệm chàng nàng riêng tư đều phải lui về một cõi tạm mà nhường chỗ cho lòng cao thượng và đức hy sinh giữa người với người lên ngôi. Nhưng, nhìn vậy mà hóa ra không phải vậy, càng lần giở chầm chậm về những trang cuối cùng, tâm hồn mong manh của tôi dần bị cảm hóa, bị chinh phục bởi những truyện tình đẹp mà buồn, bởi lòng bác ái cao cả vượt lên ái tình riêng tư của những con người vừa si tình, si cả trần đời. Không chỉ vậy, sự đồng điệu về tư tưởng – cũng như phong cách viết, càng làm tôi thấy khâm phục biết bao trước sự kết hợp đầy ăn ý giữa những những nhà văn chí cốt này.
Tình yêu, tôi biết nói gì khi nói về tình yêu? Đó là khoái cảm lâng lâng rung động khi lần đầu được gần gũi một người bạn khác giới. Là tình cảm được định nghĩa bằng một cái ôm thật chặt, một cái nắm tay trìu mến, hay một cái hôn đầu đời nồng nàn và đắm say. Ừ, tình của tuổi trẻ là như thế đấy, chỉ đơn giản là niềm sung sướng nhỏ nhoi khi biết mình không cô độc trên trên đời này, biết rằng mình có đôi có cặp. Nhưng đối với Nhất Linh và Khái Hưng, tình yêu có lẽ còn hơn cả như thế. Tình, không đơn giản chỉ là đến được với nhau, mà tình còn phải vì cái gì đó, phải hướng đến cái gì đó, cho nhau và vì nhau.
Truyện ngắn đầu tiên, và cũng là truyện thể hiện rõ ràng tư tưởng đó nhất là Anh Phải Sống. Truyện kể về đôi vợ chồng mưu sinh trên sông nước không may gặp nạn, và người vợ, để cứu lấy chồng và các con, đã nguyện quên mình trong dòng nước chảy xiết vô tình. Một câu chuyện xúc động về đức hy sinh của những đấng sinh thành, và cũng là tiếng thở dài đầy xót xa trước hiện thực khổ đau của những kiếp người bần hàn quanh chúng ta.
Các truyện nối tiếp về sau, tiếp tục kế thừa giá trị nhân bản đó, tiếp tục ca ngợi những điều cao đẹp, thầm kín mà đáng ngưỡng mộ của con người khi đứng trước những lằn ranh của lý trí và tình cảm, giữa cái riêng và cái chung.
Đó là lòng quân tử của một người đã trót yêu thầm, yêu say đắm vợ bạn mình. Anh yêu, nhưng quyết không sa ngã, chấp nhận xa cách bạn bè để tránh vòng tục lụy. Nhờ vậy mà tình bè bạn, tình vợ chồng được bền chặt mãi mãi. Yêu, nhưng chỉ giấu kín trong lòng mà không thổ lộ, thì chỉ là tình tuyệt vọng. Nhưng nếu điều đó là cần vì hạnh phúc người thương, vì đại sự chung của nhiều người, thì khối tình đơn phương bé nhỏ ấy mới là vĩ đại và cao thượng hơn tất thảy mọi tình yêu nhỏ nhen khác (Tháng Ngày Qua).
Đó còn là những sự hy sinh thầm lặng để người mình thương được hưởng hạnh phúc an yên. Như người thiếu nữ sắp lìa trần nhưng vẫn cố giấu kín để bạn trai giữ mãi những kỉ niệm đẹp đến trọn đời (Nắng mới trong rừng xuân). Như người con trai nguyện giả điên để giải thoát người mình yêu (Tình điên).
Xuyên suốt toàn bộ tập sách, xúc cảm, nhân vật, khung cảnh, tất cả đều được bao trùm bởi một màu gam màu vàng dịu nhẹ và thanh nhạt ẩn hiện trong nắng, trong gió, trong cái hương thơm của ngàn hoa đua sắc những chốn thôn quê Bắc Bộ, trong cái duyên e ấp ngại ngùng của tình trai gái đầy thắm thiết nhưng xa cách trắc trở. Lẽ dĩ nhiên, tình sầu thì phải vương chút buồn, và cái buồn vương vấn ở từng câu chuyện cũng là một nét đẹp tinh tế, được biện giải bằng một thứ văn phong đẹp đẽ, tươi mới, vừa gợi cảm, lại điềm đạm như lời thầm thì tự sự.
VƯỢT TRÊN CẢ TÌNH YÊU, ĐÓ LÀ TÌNH CAO THƯỢNG
Anh Phải Sống dẫn dắt người đọc đi vào thế giới muôn hình vạn trạng của ái tình, với muôn trùng các cung bậc cảm xúc phức tạp và riêng tư của con người, từ tình tương tư, đến ghen tuông, đến tình tuyệt vọng, đến tình đơn phương,… Càng nghiền ngẫm cuốn sách, bạn đọc như lạc vào một hành trình vô định, một hành trình truy hồi về miền kí ức xưa cũ, nơi chôn vùi những rung động tình ái thuở còn xanh, những ấp ủ và ưu tư không thể cất lời, những nỗi tương tư vừa đẹp đẽ, vừa ngây thơ và xuyến xao. Tác phẩm cũng là một áng văn ca tụng cái đẹp, cái đẹp của tình yêu, cái đẹp của cảm xúc, nhưng trên hết, là vẻ đẹp bất diệt của lòng cao thượng giữa người với người, giữa bè bạn, giữa nam và nữ.
Ở đời không có hạnh phúc nào cao thượng bằng hạnh phúc của ái tình tuyệt vọng… Yêu nên chiều, chiều nhưng không dám, không dám nên kính trọng, kính trọng nên càng yêu. Sướng lắm, sướng trong tinh thần, trong linh hồn, trong lý tưởng. Anh đừng tưởng anh yêu thế là có tội. Không có tội, thì anh cứ yêu, nhưng cứ yêu như thế thôi.
(Tình tuyệt vọng – Khái Hưng)
Các nhân vật trong tập truyện không phải là những anh hùng hảo hán với những đức tính lý tưởng thường thấy, mà ngược lại, họ chỉ là những con người hết sức bình thường trong cuộc sống: những cô cậu học sinh, những người dân bần hàn nghèo khổ, những viên chức nhỏ lẻ,…. Họ cũng giấu trong mình những ham muốn nhục dục, những tình cảm dung dị đời thường, vậy mà khi phải đứng trước những thử thách giữa lý trí và tình cảm, họ luôn bộc lộ những phẩm cách cao đẹp của riêng mình.
Hy sinh, dường như là giải pháp thường thấy của họ khi rơi vào cảnh éo le, nhưng “hy sinh” mà chỉ hiểu theo nghĩa đau buồn thì quá ư nhỏ bé, bởi có những sự hy sinh còn vượt lên cả ranh giới sống chết, vượt lên cả lòng ái kỉ trong tâm can. Từ bỏ cuộc đời vì sự sống của gia đình, của con thơ, cũng là hy sinh. Từ bỏ chấp niệm tình ái tội lỗi để giữ trọn hạnh phúc của bè bạn, của người thương, cũng là hy sinh. Chôn vùi tuổi xuân, danh giá để trả nợ người ân nhân, trả nợ cuộc đời, lại là một sự hiến dâng cũng cao cả không kém hai chữ “hy sinh”. Thật vậy, tình yêu giống như khối rubik đa màu sắc, mặt nào cũng có cái đẹp riêng và cách tôi nhìn nhận nó cũng riêng biệt. Nhưng cách chúng ta nhìn nhận nó, cảm nhận nó, mới định nghĩa thực chất phẩm cách của chính mình trong quan hệ tình yêu.
DẤU ẤN MỘT TÌNH BẠN HỮU HẢO
Bên cạnh giá trị quan và tư tưởng sâu sắc về tình yêu, Anh Phải Sống còn ẩn chứa câu chuyện về tình hữu ái giữa hai tác giả – đôi bạn chí cốt Khái Hưng và Nhất Linh.
Cả Nhất Linh và Khái Hưng đều trải qua một tuổi thơ khốn khó – một người về vật chất, một người về tinh thần, đều lớn lên giữa buổi giao thời xáo động giữa tư tưởng cũ – mới, giữa phong kiến – tân thời. Sinh ra trong hoàn cảnh như vậy đã giúp họ nung nấu ý chí cải cách phong hóa từ sớm. Như có duyên phận định sẵn, hai người cùng gặp nhau tại trường Albert Sarraut vào đầu những năm 1930, từ đó hai người liên tục cùng hợp tác và dần dần thăng hoa trong cả sự nghiệp văn chương, báo chí, và sau này là con đường chính trị. Song, đối với đông đảo người hâm mộ, dấu ấn sâu đậm của cặp song long để lại trong lòng vẫn là qua các tác phẩm văn chương lãng mạn đương thời: Gánh Hàng Hoa, Đời Mưa Gió, và Anh Phải Sống.
Tập truyện Anh Phải Sống được coi là tác phẩm đồng sáng tác cuối cùng của hai tác giả, nhưng tuyệt đối không phải là dấu chấm hết cho tình hữu hảo giữa hai người đồng bạn. Truyện ngắn viết chung duy nhất của hai người – Dưới bóng hoa đào – chính là minh chứng cho điều đó. Câu chuyện tình duy nhất trong suốt 13 truyện ngắn mà không nói về tình trai gái, mà cũng không hẳn là tình cao thượng.
Truyện kể về đôi bạn Nam Chân và Tống Bình, trong một lần lên Yên Phụ mua hoa, vô tình lọt vào mắt xanh của cô gái hàng hoa tình tứ. Tưởng rằng tình mình rồi sẽ nở hoa, nhưng ai ngờ đâu tình này lại là tình huynh đệ, hai người đồng bạn vì sự tương tư nho nhỏ từ lần đó mà quyết chí không về lại chốn xưa nữa, quyết không phụ tình anh em chí cốt. Truyện rất ngắn nhưng ý vị lại sâu xa. Vậy là, sau khi dẫn dắt bạn đọc đi xuyên khắp khu rừng của những mối tình tuyệt vọng, hai nhà văn của chúng ta đã dừng chân dưới gốc đào nở rộ, dường như là để ôn lại cuộc trùng phùng của ba huynh đệ từ nghìn năm cũ, và cũng là để nhắc nhở nhau phải tu thân diệt dục, tránh xa nữ sắc. Sau cùng, tình bằng hữu vẫn là tất cả, còn tình yêu tình ái dù gì cũng chỉ như cái kỉ niệm của một đời làm nghề cầm bút, làm nghề phân phát thứ văn chương phong tình và diễm lệ tới bạn đọc gần xa, tới muôn đời hậu thế về sau.
Có lẽ, hiếm cặp nhà văn nào lại có sự tương đồng ý hợp bền chặt lâu dài như Khái Hưng và Nhất Linh, cả về sự nghiệp lẫn cuộc đời. Hy vọng rằng, rồi mai đây nền văn học sẽ được chứng kiến thêm nhiều những cặp nhân vật xứng danh như vậy nữa.