Mình đọc 28 khi đại dịch Covid-19 đã xảy ra được một thời gian và chúng ta chừng như đã có đủ thì giờ để nhìn lại những ngày đã qua. Dù *28 *được viết trước khi Covid-19 xuất hiện, nhưng những sự kiện trong tác phẩm lại có một độ trùng thực tế thật đáng ngạc nhiên. Đây cũng chính là lý do khiến mình cảm thấy rất nặng nề khi đọc cuốn sách này.
Mọi chuyện bắt đầu từ cái chết của một người đàn ông làm nghề phối giống chó. Ông ta bị chó cắn, sau đó xuất hiện các triệu chứng kì lạ và qua đời. Chưa hết, những người vào nhà ông ta ngày hôm đó cũng có những triệu chứng tương tự. Thế rồi như một phép nhân, ngày càng có nhiều người bị như vậy hơn, các bệnh viện bắt đầu trở nên quá tải vì số bệnh nhân cứ không ngừng gia tăng. Người ta đặt tên cho căn bệnh lạ này là bệnh Mắt Đỏ.
Bệnh Mắt Đỏ là một căn bệnh có sức lây lan khủng khiếp. Nó có thể lây từ chó sang chó, từ chó sang người, từ người sang chó, khiến tròng mắt của người/vật nhiễm bệnh bị sưng đỏ, tụ máu toàn thân và sau cùng qua đời trong đau đớn. Căn bệnh này khiến Hwa Yang bị phong tỏa và hàng loạt những cuộc săn lùng, tiêu diệt chó diễn ra – bởi chính phủ đã đưa ra thông báo rằng nguyên nhân gây bệnh là từ loài chó. Tuy nhiên những chuyện khủng khiếp phía sau vẫn còn kéo dài, bởi trong 28 ngày bị phong tỏa, thành phố Hwa Yang vẫn bị căn bệnh dày vò, đẩy người dân vào cảnh hoảng loạn, phải giành giật mọi thứ để cứu lấy chính mình. Mắt Đỏ như một khảo nghiệm mà Jeong You-Jeong đặt ra để đo lường chiều kích tối tăm trong tâm hồn người: Khi đứng trước vấn đề sống còn, đạo đức sẽ thắng hay bản năng thú vật sẽ lên ngôi?
Đây là một cuốn sách tăm tối, tàn nhẫn, và đôi khi là quá sức chịu đựng của người đọc. Mình đã rùng mình khi đọc những phân cảnh tiêu huỷ chó, vì chúng quá tàn nhẫn và cực đoan. Một trong những đoạn mình nhớ nhất trong *28 *là cảnh một đội cảnh sát lao vào trại nuôi dưỡng chó mà không một lời giải thích hay xin phép, thẳng tay hành hung chủ của trại chó khi anh cố ngăn họ lại. Quân đội lạnh lùng chĩa họng súng vào những chú chó tội nghiệp đang cố gắng chạy trốn và sau khi họ đi, mười tám thi thể chó nằm la liệt.
“Cuộc nổ súng kết thúc. Sự tĩnh mịch đột ngột trở lại với Dreamland. Mười tám thi thể nằm la liệt trên nền tuyết, cùng với cả đám chó trong phòng điều trị, đám quân lính đã quét hết vào trong lồng sắt trên chiếc xe ben và rời khỏi Dreamland. […] Ai là kẻ đã cho con người cái quyền được càn quét hết những sinh mạng khoẻ mạnh thế kia vào một thùng xe mà đem đi chôn sống như vậy chứ?”
Nhưng sự tàn nhẫn không chỉ xảy ra trong cách con người đối xử với những chú chó, mà nằm ngay cả trong cách người đối xử với người nữa. Trong bầu không khí ngột ngạt của bệnh dịch, con người cũng dần trở nên mất kiểm soát. Các bệnh viện trở nên quá tải, vật tư cạn kiệt, “không có dầu, hệ thống sưởi cũng bị cắt. Chỉ có hệ thống điện nước là vẫn còn hoạt động. Như thể người ta đang nói rằng chúng mày tự đi mà lo liệu với nhau. Sống chết mặc bay.” Người ta ngày càng trở nên hoảng loạn và bất an, cùng với đó, các giá trị đạo đức cũng trên bờ vực sụp đổ. Chuyện c.ư.ỡ.ng h.i.ế.p, cướp bóc có thể xảy ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Mình đã rùng mình khi đọc những biến chuyển trong Hwa Yang, việc mà người ta có thể làm với nhau, cách chính phủ và quân đội đối xử với người dân thành phố này, cũng như những con chó bị chôn sống. Ngòi bút của Jeong You-Jeong gắn liền với việc tìm hiểu và đào sâu vào “tính ác của con người”, do vậy 28 không phải là một câu chuyện được viết với mục đích chủ yếu là ngợi ca cái đẹp, mà là một chất vấn về đạo đức và bản năng khi phải đối mặt với hiểm cảnh.
“Chuyện sống còn, ấy không phải là vấn đề có thể lựa chọn. Đó là bản năng. Bản năng của tất cả mọi tạo vật có sinh mệnh. Đó chính là đặc tính nghiệt ngã và cũng là nỗi buồn của sự sống.”
Có phải lúc nào cái thiện cũng sẽ chiến thắng cái ác? Có lẽ 28 sẽ giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.
Instagram: @_satohsai