Nobel văn chương 2024 chính thức gọi tên nhà văn Hàn Quốc Han Kang

Thứ Sáu, 11/10/2024

Nobel Văn chương 2024 đã chính thức gọi tên nhà văn Hàn Quốc Han Kang vì “thứ văn xuôi mãnh liệt đậm chất thơ qua đó thể hiện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”. Cô đã trở thành nữ tác giả thứ 18 có vinh dự này.

Nhà văn tiên phong của châu Á

Không ngoài dự đoán, giải Nobel Văn chương năm nay đã thuộc về một tác giả nữ và thoát khỏi khu vực châu Âu chiếm đa số trong hơn một thập kỷ qua. Tuy vậy không phải Tàn Tuyết (Trung Quốc) hay Alexis Wright (Úc) theo danh sách đặt cược trước giải thưởng, mà đó là Han Kang. Chiến thắng của cô gây bất ngờ lớn vì 2 đại diện đến từ Hàn Quốc thường được nhắc đến ở giải thưởng này là nhà thơ – nhà văn Ko Un (91 tuổi) và tiểu thuyết gia Hwang Sok-Yong (80 tuổi) – hai bậc thầy của văn chương Hàn Quốc. Ở tuổi 53, cô đã trở thành nhà văn Hàn Quốc đầu tiên và gốc Á thứ 9 chạm tay đến giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh.

Nhà văn Han Kang. Ảnh: Bloomberg

Han Kang sinh năm 1970 tại thành phố Gwangju của Hàn Quốc trước khi chuyển đến Seoul cùng gia đình khi mới 9 tuổi. Cô xuất thân từ một gia đình văn học có cha là một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Bên cạnh việc viết lách, cô còn cống hiến hết mình cho nghệ thuật và âm nhạc - điều thường được phản ánh trong các tác phẩm của cô. Cô ra mắt văn đàn vào năm 1993 với việc xuất bản nhiều bài thơ trên tạp chí Văn học và Xã hội. Năm 1995 cô có tác phẩm văn xuôi đầu tay là tập truyện ngắn Tình yêu của Yeosu. Sau đó cô tiếp tục được đánh giá cao với hàng loại tiểu thuyết và truyện ngắn ấn tượng, đáng chú ý nhất là Đôi bàn tay lạnh (2002) xoay quanh một nhà điêu khắc mất tích và xung đột giữa những gì cơ thể tiết lộ và thứ mà nó che giấu.

Hai tác phẩm của Han Kang đã được Nhã Nam phát hành là Bản chất của ngườiTrắng

Cô cũng là tác giả của những danh hiệu mang tính “đầu tiên”. Năm 2016, cô trở thành nhà văn châu Á đầu tiên thắng giải Man Booker Quốc tế với cuốn tiểu thuyết Người ăn chay (...) Sau đó cô được chú ý trên trường quốc tế với các tác phẩm liên tục ra mắt và được đánh giá cao. Năm 2018, cô trở thành đại diện châu Á đầu tiên góp mặt vào dự án Thư viên tương lai - nơi tập hợp 100 tác phẩm của 100 nhà văn nổi tiếng đương thời chỉ được mở ra trong 100 năm nữa để gửi gắm cho thế hệ sau.

Từ thành công vang dội của Người ăn chay, cô tiếp tục cho ra mắt các tiểu thuyết khác như Bản chất của người, Trắng (đã có bản dịch tiếng Việt) cũng như Greek Lessons – cuốn sách được viết từ năm 2011 nhưng đến nay mới được ra mắt thế giới nói tiếng Anh. Ở Hàn Quốc, cô được coi là một trong ba tam trụ của quá trình “Hallyu” hay “xuất khẩu” văn học Hàn Quốc ra nước ngoài bên cạnh Bae Suah và Chung Bora. Với chiến thắng Nobel Văn chương 2024, Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã cho thấy cái nhìn đa dạng và phong phú hơn. 

Không thể không viết

Về mặt văn chương, tác phẩm của Han Kang thường không quá dày nhưng lại có sức dồn nén những vấn đề quan trọng của một thời đoạn. Cách tiếp cận của cô xuyên qua thời gian cũng như không gian, đi từ hiện đại (Người ăn chay) đến quá khứ (Bản chất của người), từ trong nước đến ra đến ngoài nước (Trắng), qua đó phơi bày nỗi đau phổ quát của nhân loại này. Cách viết của cô được tinh gọn với những câu từ được gọt giũa kỹ (có lẽ từ ảnh hưởng do cũng đồng thời là một nhà thơ), trong khi vẫn giữ được giọng văn sắc bén, lạnh lùng để đi đến cùng là những đúc rút từ tư tưởng phương Đông.

Bản chất của người, cô xoay quanh những chấn thương lịch sử là phong trào dân chủ chủ Gwangju hay được biết đến với tên Thảm sát Gwangju xảy ra những năm 1980 tại ngay nơi cô sinh ra. Tiểu thuyết theo đó gồm 7 câu chuyện nhỏ theo góc nhìn của những người còn sống cũng như đã chết từng đứng lên chống lại chế độ độc tài với những ký ức không thể nào quên. Han Kang – từ đứa trẻ 10 tuổi năm nào – đã cầm bút lên và viết lại chính những gì mình đã trải qua. Đây là tác phẩm cho thấy một Han Kang gắn bó với Hàn Quốc nhất, nhưng cũng đồng thời là một công trình khốc liệt, đau đớn và không thể tỏa bày.

Khác biệt với 2 cuốn trên, Trắng lại là một tác phẩm đậm chất thơ và rất tiết chế của Han Kang. Nó gồm những ghi chép ngắn, gọn, nhanh về những mục tiêu cố định mà cô nhìn thấy trong một mùa đông ở Warsaw (Ba Lan), từ hữu hình như tuyết, tã quấn, áo sơ sinh, khăn liệm trắng của người chị gái chưa kịp ra đời của cô... cho đến vô hình là sự mục ruỗng và nỗi đau của độc giả sau khi đi hết tác phẩm nói trên. Đây có thể không phải là tiểu thuyết nổi tiếng nhất hay có thành công quốc tế lớn nhất, nhưng chắc chắn đã thể hiện nghệ thuật viết đỉnh cao và sự sáng tạo bậc thầy của nữ nhà văn.

Ở cả 3 tác phẩm nói trên, Han Kang đều chia sẻ đây là những dự án cô thấy bản thân rất khó viết ra nhưng lại đồng thời không thể không viết. Từ chính những tổn thương đó, cô đã tạo ra được sự đồng cảm về một trong những trải nghiệm phổ quát nhất của con người đó là nỗi đau, nhưng qua đó cũng khẳng định sự sáng tạo vượt trội của bản thân mình.

Nguồn bài viết: Tuấn Duy - Báo Thanh Niên