Sau hàng loạt tác giả văn học thời kỳ 1930-1945, Nguyễn Huy Thiệp vừa bước vào tủ sách Việt Nam danh tác do Nhã Nam làm với tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát, đánh dấu sự góp mặt đầu tiên của tác giả văn học thời Đổi mới trong tủ sách này.
Vì sao là Nguyễn Huy Thiệp?
Việc chọn tác giả văn học Đổi mới cho tủ sách Việt Nam danh tác mà đại diện là Nguyễn Huy Thiệp, trả lời Tuổi Trẻ, đại diện đơn vị làm sách cho biết giai đoạn văn học Đổi mới, thường được gắn với mốc 1986, có rất nhiều hiện tượng tác giả và tác phẩm gây chú ý, tranh luận, thậm chí tranh cãi.
Sau gần bốn mươi năm, đã đến lúc độc giả hôm nay cũng cần biết, và từ đó cần nhìn lại, đánh giá kỹ lưỡng, nhận ra một số giá trị văn chương tiêu biểu của giai đoạn này.
Tác giả Nguyễn Huy Thiệp
Nhã Nam chọn văn chương của Nguyễn Huy Thiệp vì cho rằng văn chương của ông, nhất là thời điểm ông trở thành hiện tượng nổi bật nhất, khoảng 1987-1992.
"Không chỉ thể hiện rõ phẩm tính đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát mà còn biểu đạt những phẩm chất của một tác giả lớn, tác giả không ngừng vẫy gọi sự đọc, sự tiếp nhận, diễn giải trong nhiều thế hệ đọc sau".
Ngoài ra Nguyễn Huy Thiệp cũng đáp ứng tiêu chuẩn chung của tủ sách như có đóng góp quan trọng cho sự phát triển văn học hiện đại Việt Nam, là thành tựu đáng kể so với cùng thời, là dấu mốc về tư tưởng, bút pháp nghệ thuật, thể loại.
Và vì sao là Những ngọn gió Hua Tát
Về lý do chọn "Những ngọn gió Hua Tát" (1989) chứ không phải một tập nào khác của Nguyễn Huy Thiệp là dựa vào vị thế, giá trị của tập truyện này trong sự nghiệp văn chương Nguyễn Huy Thiệp, và có so sánh với "mặt bằng chung" của văn học Đổi mới.
Tác phẩm Những ngọn gió Hua Tát vừa được Nhã Nam phát hành
Tập truyện vừa nối tiếp tiếng vang của tập đầu tiên Tướng về hưu (1988), vừa có thêm hai truyện (giả) lịch sử Vàng lửa, Kiếm sắc từng là tâm điểm văn đàn lúc bấy giờ.
Thêm nữa, tập truyện Những ngọn gió Hua Tát (cùng với truyện ngắn Tướng về hưu) cũng chính là tác phẩm để Hội đồng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho Nguyễn Huy Thiệp.
Những ngọn gió Hua Tát (Nhã Nam, NXB Hội Nhà Văn) thực hiện theo ấn bản Những ngọn gió Hua Tát của NXB Văn Hóa - Hà Nội in năm 1989, chỉ chú thích một số từ không còn thông dụng và chỉnh sửa cho phù hợp với quy tắc chính tả hiện nay.
Tập truyện gồm các truyện: Tướng về hưu, Không có vua, Con gái thủy thần, Chảy đi sông ơi, Muối của rừng, Huyền thoại phố phường, Chút thoáng Xuân Hương, Giọt máu, Kiếm sắc, Vàng lửa, Những ngọn gió Hua Tát, với "mười truyện trong bản nhỏ" kết tập.
Nguồn bài viết: Thiên Điển - Báo Tuổi trẻ