Tập truyện ngắn “Người Đài Bắc” của Bạch Tiên Dũng khẽ mời người đọc bước vào một cuộc thăm dò tác động mênh mông của quê hương quá khứ lên những con người lưu lạc.
1. Nỗi nhớ nhung quê hương của những con người lưu lạc
Quê hương có thể là gì?
Câu hỏi này rất dễ trả lời, khi con người ta có thể trở về nơi ấy bất cứ lúc nào. Nhưng nếu đường về không còn nữa, và quê hương chỉ còn là một vùng đất mơ hồ trong kí ức cứ ngày một suy tàn, thì lúc ấy nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, một khối tuyệt vọng khổng lồ khiến cho đời sống trở nên bất khả.
Không thể sống mà không nhớ, nhưng không thể nhớ mà tiếp tục sống trong hiện tại. Quá khứ, kí ức bỗng trở nên quá nặng đối với tâm trí con người, đè nát mọi hy vọng về tương lai. Người Đài Bắc của Bạch Tiên Dũng là một cuộc thăm dò vào cái tác động mênh mông của quê hương quá khứ lên những con người lưu lạc.
Người Đài Bắc gồm 14 truyện ngắn, được viết rải rác trong thập niên 1960, có lẽ là khoảng thời gian chín muồi cho cảm hứng sáng tác của Bạch Tiên Dũng: mọi hy vọng về con đường trở về quê hương của những người Trung Quốc lưu lạc đến Đài Loan hoàn toàn khép lại. Không thể trở về, không thể đi tiếp, đó chính là bi kịch của các nhân vật trong Người Đài Bắc của Bạch Tiên Dũng.
2. Muôn màu vạn trạng chân dung kẻ tha hương
Mười bốn truyện ngắn trong tập sách này, tịnh không một truyện nào vui: mỗi truyện là một số phận bi thương, u uẩn. Được viết bằng một bút pháp hiện đại, các truyện đều không có xung đột hay mâu thuẫn nào chiếm trung tâm, mà hầu như chỉ là sự bày ra một cách rất tự nhiên cái bề mặt đời sống hiện tại của một người, rồi từ từ vẽ ra quá khứ lẩn khuất ở đằng sau.
Các nhân vật của Bạch Tiên Dũng khá đa dạng, không khuôn trong một tầng lớp cụ thể nào hết: có tướng tá lính tráng, có giới gái “bán eo” hoặc đã nên phận bà lớn hoặc vẫn chịu cảnh tủi nhục, có những thầy giáo thuộc giới trí thức. Các nhân vật này, mặc dù khác biệt về tầng lớp cũng như hoàn cảnh, thì đều giống nhau ở hai điểm: đầu tiên, họ đều là những người Trung Quốc đại lục vì biến loạn mà phải di cư đến Đài Loan, và thứ hai, họ đều ở độ tuổi trung niên và tuổi già; không hề có một nhân vật trẻ trung nào hết.
Bởi ký ức là tất cả những gì người già còn lại, chúng trở nên đẹp đẽ và sống động hơn, và đồng thời cũng vì thế mà cay đắng hơn rất nhiều.
3. Tạc hoạ một đại lục trong mộng tưởng
Thông qua những hồi tưởng, thế giới của Trung Hoa lục địa những năm 30 40 hiện lên thật sống động và rực rỡ. Bấy nhiên nhân vật là bấy nhiêu khía cạnh của thế giới một đi không trở lại ấy.
Đó là bầu không khí của giới ăn chơi Thượng Hải được kết tinh vào nhân vật Doãn Tuyết Diễm trong thiên truyện mở đầu “Mãi mãi là Doãn Tuyết Diễm”.
Người kể chuyện rất khéo ở chỗ không hề đi vào tâm lý của Tuyết Diễm để cô hiện lên như một con người, mà chỉ tả cô gián tiếp qua sự si mê sùng kính của đám phú gia cậu ấm thất thế. Bằng cách đó, Tuyết Diễm hiện lên như một vị thánh đối với những kẻ lưu lạc đến Đài Bắc, như một niềm an ủi cho nỗi nhớ khôn nguôi một thời vàng son. Tuyết Diễm mãi mãi là Tuyết Diễm, bởi cô chính là hiện thân, là tàn tích của thời vàng son ấy. “Bạn cũ đến, nói chuyện cũ, ai nấy đều mang nỗi niềm hoài niệm hồi tưởng chuyện năm xưa, than vãn ỉ ôi trước Doãn Tuyết Diễm, cứ như thể Doãn Tuyết Diễm là biểu tượng vĩnh hằng của thời đại Bách Lạc Môn, là chứng nhân về một Thượng Hải phồn hoa vậy.”
Những nhân vật tầm thường hơn cũng ôm ấp quá vãng đẹp đẽ theo cách riêng của họ. Trong “Vạt hoa đỗ quyên đỏ như máu”, Vương Hùng, một người lính giải ngũ, tính cách thật thà khờ khạo, được tả là chiều chuộng Lệ Nhi, con gái bà chủ: làm ngựa cưỡi, trồng và chăm sóc cả trăm gốc đỗ quyên vì Lệ Nhi thích, đeo cho em những chiếc vòng hạt cườm. Tình yêu ấy không giống tình yêu giữa người với người, mà giống tình yêu của con thú quỵ lụy con người hơn. Mãi đến giữa truyện, ta mới biết Vương Hùng yêu Lệ Nhi như vậy bởi trước thời điểm bị lôi đi lính đánh Nhật rồi xa quê nhà mãi mãi, Vương Hùng có một người vợ mới chừng mười tuổi, “ham ăn nhác làm, thường bị mẹ anh cầm chổi vụt mông, hễ ăn đòn là cô ấy liền trốn ra sau anh.” Chi tiết này chỉ xuất hiện thoáng qua, nhưng ta hiểu ngay rằng Lệ Nhi chính là sự lặp lại hình ảnh người vợ mười tuổi nơi quê nhà của Vương Hùng, là mắt xích duy nhất nối Vương Hùng với Hồ Nam, quê hương anh không mong ngày trở lại.
Trong “Vinh Ký cầu Hoa” tác giả dùng giọng của một người phụ nữ bán bún, hết lời tự hào về tiệm bún nổi tiếng của ông mình ở Quế Lâm rất nhiều năm về trước. “Ông tôi nhờ bán bún thịt ngựa mà gầy dựng sự nghiệp, hai trinh một đĩa, một ngày phải bán đến trăm đĩa, đến muộn tẹo còn không có mà ăn.” Ở nhân vật này tình yêu quê hiện lên rất mộc mạc và giản dị, cái gì của quê hương Quế Lâm cũng đẹp, cũng hay, còn dân đến từ mấy xó xỉnh khác thì đều xấu xí cả: “vùng chúng tôi đâu đâu cũng là non xanh nước biếc, mắt người nhìn mãi thành long lanh, da dẻ cũng được tưới tắm trắng trẻo nõn nà.”
4. Chung một “phức cảm đại lục”
Chính bởi yêu và hoài niệm quê hương đến thế, những con người trong Người Đài Bắc của Bạch Tiên Dũng không thể chấp nhận nổi cuộc sống hiện tại của họ. Hẳn ban đầu người ta còn hy vọng tìm được đường trở về cố hương, thế nhưng những biến cố suốt những năm sau đó ở Trung Quốc đại lục đã khiến hy vọng đó trở thành hão huyền. Những kẻ lưu lạc nhanh chóng cảm thấy sự đổi dời của các giá trị, và khoảng cách của họ với quá khứ thì cứ tăng lên mãi.
Trong “Dạo vườn tỉnh mộng”, phu nhân Tiền khi tới dự bữa tiệc tại nhà người chị em cũ, đã mặc bộ xường xám lụa Hàng Châu mà bà mang theo từ hồi chạy loạn khỏi Nam Kinh, thay vì sắm một bộ đồ mới, bởi “bà cứ cảm giác vải vóc Đài Loan thô sần, rực rỡ chói mắt, nhất là đồ tơ lụa, sao bì được với hàng đại lục tinh tế, mịn màng làm vậy?”
Nhưng rồi, phu nhân Tiền nhận ra bộ đồ ngày xưa vốn xanh biếc như ngọc bích dưới ánh đèn, thì giờ không sáng nữa mà toát lên vẻ ảm đạm. Trong bữa tiệc, ngoài những chị em ngày xưa, bà chẳng nhận được ai quen nữa: những người quen xưa dường như đều đã sa cơ (chính phu nhân cũng đến dự tiệc bằng taxi thay vì xe công vụ như những người khác).
Những người đại lục phải đương đầu với nỗi tuyệt vọng ấy. Họ tìm đến Doãn Diễm Tuyết như một nguồn an ủi. Họ bấu víu vào quá khứ giống như ông già Tần Nghĩa Phương trong “Quốc tang” hay “giáo chủ” trong truyện “Khắp trời sao giăng lấp lánh”. Nhưng họ không thể đi tiếp, bởi không thể vứt bỏ được quá khứ, quê hương. Chỉ còn một con đường là tự hủy hoại: phát điên, tự sát. Nhân vật thầy giáo Lư trong truyện “Vinh Ký cầu Hoa” chăm chỉ dạy học, nuôi gà, mỗi dịp Tết đến là xách hai lồng gà ra chợ bán. Mãi về sau, người kể chuyện mới biết thầy Lư chăm chỉ tích cóp vốn liếng như vậy là để chờ cơ hội đưa được người vợ chưa cưới của mình mắc kẹt ở đại lục ra Đài Loan nhờ ngả vượt biên ở Hong Kong. Rốt cục, bị người anh họ giả mạo thư vợ chưa cưới và lừa sạch số tiền dành dụm mười lăm năm, thầy Lư tuyệt vọng rồi héo hon dần mà gục chết trên bàn sách, tay vẫn cầm cây bút bên chồng vở học trò.
Các truyện ngắn trong tập Người Đài Bắc mặc dù đa dạng về nhân vật, nhưng lại có tính thống nhất rất cao. Mỗi truyện đều được soi tỏ bởi ánh sáng buồn bã thê lương hắt ra từ những truyện khác, và có những chi tiết tưởng như tầm thường, vặt vãnh, nhưng chỉ khi đọc trọn vẹn tập truyện ngắn này và tắm mình trong nỗi hoài niệm tuyệt vọng của nó, thì người ta mới cảm nhận được toàn bộ sức nặng của chúng.
“Người Đài Bắc” khiến người đọc trăn trở mãi câu hỏi: Quá khứ cần đến vậy sao? Quê hương cần đến vậy sao? Liệu có phải thái quá không khi nói rằng con người chẳng thể sống tiếp khi đánh mất quá khứ, khi tiệt đường trở về quê hương?