Trên nền lịch sử đất nước vào khoảng những năm 1954 – 1966, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương, miền Bắc đang trong giai đoạn xây dựng và chống chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ. Dưới mưa bom lửa đạn, những đứa trẻ thời chiến thuộc vùng tự do không còn được sống êm ấm mà phải đi sơ tán về nông thôn và rừng núi.
Lũ trẻ thời chiến, không chỉ tìm lối ra cho cuộc đi trốn bất đắc dĩ kia, chúng cũng phải đi tìm lối ra cho cuộc đời của chính mình, trong giai đoạn vô cùng nghiệt ngã của đất nước. Nhân vật Linh đã phải đối diện nỗi cô đơn, khi có cả ba mẹ ở hai đầu đất nước, mà lại như không. Việt Bắc sẽ vào đời với mắt trái bị mù, và cả một tuổi thơ không có bố. Hoài Nam mang nỗi mặc cảm có bố bị khép tội “xét lại”, trở nên ngang tàng quậy phá đến nỗi phải vào tù, liệu có thể tìm được lối ra cho một cuộc sống bình thường… Có rất nhiều nỗi buồn chiến tranh mà những người trong cuộc buộc lòng phải chấp nhận. Dù là thể loại hư cấu, nhưng màu sắc hiện thực trong câu chuyện rất đậm nét. Đây không chỉ là cuốn tiểu thuyết viết về trẻ con, cho trẻ con và vì trẻ con, mà còn nhiều hơn thế những câu chuyện éo le mà khi đến với cuộc sống này, đến với giai đoạn chiến tranh của lịch sử chúng đã phải trải qua. Có nhiều câu chuyện, sự kiện mà người lớn có thể nhìn lại và thấy hình ảnh của chính mình trong đó. Nhiều vốn sống, giàu trải nghiệm, hòa điệu trong lối văn tự nhiên, không hoa lá cành, tốc độ vừa phải, chắc chắn, Bình Ca đã vẽ ra cả một không khí riêng cho cuốn tiểu thuyết, với màu sắc lịch sử sắc nét, không gian địa lý chân thực, và một thế giới trẻ thơ sống động. Những điều đọng lại cuối cùng sau khi đọc cuốn sách, có lẽ chính là sự hồn nhiên và sức sống của lũ trẻ trong cuộc phiêu lưu thót tim kia. Giữa thiên nhiên hùng vĩ và cuộc chiến tranh khốc liệt, sức sống ấy là một ẩn dụ về vẻ đẹp, về niềm tin và hy vọng.
“Đó là thực tế mà những người trong cuộc phải chấp nhận. Có thể coi đó là số mệnh của những người sinh ra trong thời chiến, hay nói văn chương một tí, đó là nỗi buồn chiến tranh.” – Bình Ca.