“Con thỏ
Ăn cỏ
Uống nước
Chui vào hang
Đi ngủ…”
Điều gì sẽ hiện lên trong đầu bạn đầu tiên khi nhắc đến loài thỏ. Hẳn bạn sẽ nghĩ thỏ là một loài động vật dễ thương, nhút nhát và thậm chí có phần “mong manh dễ vỡ”. Đó là ý nghĩ của hầu hết nhiều người trong đó có tôi. Tuy nhiên, tác giả Richard Adams lại có cách nhìn khác về loài vật đáng yêu này qua quyển tiểu thuyết đầu tay của ông - “Đồi thỏ”.
Mở đầu câu chuyện là khi Thứ Năm - một chú thỏ có vẻ bề ngoài nhỏ bé, yếu ớt đã nói cho Cây Phỉ là người anh trai yêu quý của mình linh cảm về sự nguy hiểm sắp xảy đến vùng đất loài thỏ nơi chúng đang sinh sống. Sau khi trải qua một chuyến di cư thú vị nhưng cũng có muôn vàn khó khăn thì đến cuối truyện, những chú thỏ ấy đã tìm thấy cho mình một vùng đất tự do của riêng chúng và trở thành quyển tiểu thuyết huyền thoại - một bản trường ca về những chiến binh thỏ quả cảm và vĩ đại nhất.
Tôi đặc biệt ấn tượng với chú thỏ thủ lĩnh Cây Phỉ bởi trái tim dũng cảm, đầy yêu thương và sự dẫn dắt tài tình như một nhà lãnh đạo thực thụ của chú. Qua đó, có thể thấy chỉ có sự can đảm mới giúp con người ta bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và dám trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới. Từ sự dũng cảm ấy của những chú thỏ, đặc biệt là Cây Phỉ, tôi chợt nhớ đến một câu nói.
“Người dũng cảm thì trong khi nguy biến cũng cứ vững lòng phán đoán như lúc bình thường.”
- Francois de La Rochefoucauld -
Quả không sai khi nói “Đồi thỏ” là bản trường ca lạ lùng về loài thỏ, bởi nó cho ta một cái nhìn mới lạ, kỳ diệu, một cái nhìn đầy sức sống của cuộc đời này. Quyển tiểu thuyết đã để lại cho kho tàng văn học thế giới những giá trị bất hũ và tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta có động lực chinh phục những vùng trời bao la, mới lạ ngoài kia và dám chạm tay đến ước mơ hay những điều lớn lao và ý nghĩa trong cuộc sống.