Khi đọc những tác phẩm của Kawabata Yasunari người ta sẽ cảm nhận được sự cô đơn, lạc lỏng của một con người và tiểu thuyết Hồ sẽ mang đến cho người đọc cảm nhận ấy một cách rõ ràng và chân thực thông qua nhân vật Gimpei. Khi đọc Hồ, ta sẽ thấy Gimpei được tác giả miêu tả là một chàng trai có đôi bàn chân xấu xí, cũng chính vì đôi bàn chân ấy đã khiến cho cậu trở nên mặc cảm và đau lòng. Nhưng đâu đó trong cậu vẫn luôn tìm kiếm và khát khao nhìn thấy cái đẹp. Ở tiểu thuyết Hồ, người đọc sẽ thấy được Gimpei hay bám theo những cô gái đẹp để ngắm nhìn và cậu luôn tìm kiếm người giống mẹ mình, vì mẹ có vẻ đẹp tuyệt mỹ khiến cậu phải tôn thờ. Tác giả đang dựng nên các yếu tố đối lập nhau trong tác phẩm. Đó là sự đối lập giữa cái xấu và cái đẹp - cái xấu của cha đối lập với sự xinh đẹp của người mẹ; đôi bàn chân xấu và những phụ nữ xinh đẹp. Qua đó, có thể thấy, Hồ là một tiểu thuyết được Kawabata vận dụng sự đan xen một cách hoàn hảo để tái hiện nên sự đối lập giữa hai thái cực trên.