“Một người phụ nữ có thể không còn trẻ trung, có thể không được thon thả, có thể không xinh đẹp lắm, nhưng nhất định phải có phong cách của mình.”
(trích Tao Nhã, trang 79)
Khi đọc những dòng này, tôi lại nhớ ngày xưa da diết. Khi tôi còn nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Thường thì ăn bữa trước đã phải lo bữa sau, giật gấu vá vai, mẹ tôi dành dụm, tằn tiện lắm mới đủ lo cho chị em tôi ăn học.
Mẹ tôi làm nghề thợ may, chuyên may đồ cho các cô, các bác trong xóm. Thời ấy, trong cái xóm lao động toàn dân ngụ cư, ai cũng nghèo như ai, nên chuyện may một chiếc áo mới là cả một vấn đề. Cái nghèo bao trùm, len lỏi, vấn vít từng ngóc ngách, khiến con người ta đờ đẫn và mụ mị. Giữa bộn bề cuộc sống, ai còn quan tâm chuyện ăn bận đẹp nữa đâu. Chỉ có bọn con nít, năm nào Tết đến cũng háo hức mong chờ được may một bộ đồ mới.
Chị em tôi cũng thế. Mặc dù là con của thợ may nhưng nhà tôi nghèo, mẹ không có tiền mua vải, nên chị em tôi chỉ mặc quần áo thừa từ các chị em họ khác. Nhưng năm nào cũng vậy, Tết đến, mẹ luôn dành một khoảng thời gian để may cho chị em tôi một bộ đồ mới. Bộ đồ được may từ những mảnh vải thừa mà mẹ đã tích cóp trong suốt một năm qua, khi may đồ cho khách.
Mẹ tôi rất khéo tay, nên những mảnh vải sứt sẹo to nhỏ, đủ màu đủ sắc và đủ loại hoa văn, đã trở thành một bộ đồ thật đẹp và duyên dáng. Trong mắt một đứa bé khi ấy, mẹ như bà tiên với cây đũa phép màu, biến hoá những mảnh vải cũ thành một bộ đồ lung linh, tuyệt đẹp. Và tôi đã rất tự hào, vì trong xóm không ai có một bộ đồ độc đáo như chị em tôi.
Mẹ vẫn thường dạy bảo chị em tôi: “Nhà mình nghèo, không có gì cao sang như người ta nhưng các con phải nhớ luôn ăn bận tề chỉnh, đoan trang. “Quen sợ dạ, lạ sợ áo”.
Cách ăn bận cũng thể hiện nết người. Không cần phải có những bộ quần áo đắt tiền thì mình mới bận đẹp, các con vẫn có thể đẹp theo cách riêng của mình…”