“Tôi trở dậy ra tựa cửa phòng, thấy Hậu đứng bên cái bể ngoài sân, đang với gáo múc nước rửa tay. Người cô nổi trên nền lá xanh như một bông hoa trong sáng sớm. Tà áo trắng của cô theo chiều gió bay phất phới, và tất cả ánh nắng, lá cây, bóng mát cũng hình như đang tưng bừng giỡn múa chung quanh người thiếu nữ tươi tắn ấy.”
(trích Nắng trong vườn, trang 20)
“Nắng trong vườn”, truyện ngắn đầu tiên trong tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Thạch Lam, là câu chuyện về người thiếu nữ tên Hậu và mối tình ngây thơ với chàng trai ghé chơi và ở lại nhà cô, trong một mùa hè tuyệt đẹp.
Người thiếu nữ ấy, chính là ánh nắng ban mai vui tươi, chiếu qua kẽ lá, lung linh nhảy múa trong đáy mắt chàng trai, gây nên những xung động xôn xao, cộng hưởng vào khung cảnh vườn đồi mùa hè rực rỡ.
Thạch Lam với một sự nhạy cảm và rung động sâu sắc, đã khắc hoạ nội tâm của người con gái vừa bước vào mối tình chớm nở, thông qua hình dáng, cử chỉ bên ngoài. Đọc văn Thạch Lam, tôi luôn ngây ngất và say mê dõi theo cái ánh nhìn đằm thắm, nhẹ nhàng mà đa chiều và sâu lắng ấy.
Văn chương Thạch Lam nhẹ nhàng, thủ thỉ, cách kể chuyện của nhà văn không trào phúng, phóng đại, ko cao trào biến cố, nhưng luôn để lại một nỗi vấn vương, tư lự trong lòng người đọc sau mỗi câu chuyện. Đấy phải chăng là cái nét tài hoa thi vị, một dấu ấn riêng của Thạch Lam mà không một nhà văn nào khác có được…