Một bức tranh hiện thực tàn khốc phô bày ra những ghê tởm, bẩn thỉu, xấu xa nhất của con người. Nói đúng hơn, là con người dưới đáy xã hội. Nếu đã đi đến cùng đường mạt lối, thì chúng ta phải xoay sở cách nào để đổ căng cái bụng rỗng, thỏa hiệp với nhục dục và bơm đầy oxi cho hai lá phổi? Cầu xin ư? Chấp nhận chết dần chết mòn ư? Không! Bản năng sinh tồn sẽ khiến ta chà đạp lên đồng loại, để sống.
Kẻ cơ hàn ở các vùng mỏ Trung Quốc năm 1998 kiếm tiền một cách cực nhanh chóng và dễ dàng: đổi xác lấy tiền; mà muốn có xác, phải lừa lọc, làm thân và giết chết nạn nhân. Con người trong Gỗ thần được gọi là con mồi và kẻ săn mồi. Giống như một lát cắt ra từ bình nguyên hoang dã thuở loài người sơ khai, nơi đạo đức chỉ là một viễn cảnh xa vời.
Gỗ thần khắc nghiệt từ những trang đầu. Hiện thực tàn khốc khiến nhân sinh quan méo mó nặng nề, mọi vấn đề đều quy ra theo mức đáp ứng nhu cầu bản năng con người. Mạch truyện là hành trình tìm về bản tính thiện lương, lòng trắc ẩn, tình thương đồng loại và phẩm giá của chính mình. Sách chỉ dày hơn 160 trang mà đọc đến đâu cũng thấy lấn cấn, thấy khó thở, thấy bức bối. Cứ như bản thân đang loay hoay dưới một hầm than, chới với cùng cảm giác bị bóp nghẹt.
“Trước đây nơi này không gọi than là than, cậu có biết gọi là gì không?”
“Không biết.”
“Gọi là gỗ thần.”
Có than là hình ảnh ẩn dụ cho sự đen đúa, bụi than bám đầy khắp nơi ám chỉ không gian trong cuốn sách đâu đâu cũng đều đã vấy bẩn. Một hình ảnh nữa cũng thường xuất hiện, là tuyết. Tuyết trắng rơi lên người những người thợ đào than khiến họ trong thoáng chốc xuất hiện với sự thanh thoát, tử tế. Nhưng khi rũ bỏ lớp tuyết, vẫn là lớp muội than đen xì bám vào thân xác họ. Sự đối lập càng viền đậm lên những nhân văn, những đau đớn của một kiếp người, của rất nhiều thế hệ từ hiện tại trở về sau này.