MS262 - Mãi đừng xa tôi - Linh Linh

Thứ Năm, 23/11/2023

Dù có rất nhiều cuốn sách hay trong cuộc đời này nhưng có lẽ sẽ không cuốn sách nào soán ngôi được “Mãi đừng xa tôi” khỏi vị trí cuốn sách mà tôi yêu thích nhất và cũng là cuốn sách khiến tôi suy tư, day dứt nhất.

Cuốn sách có kể về tình yêu nhưng nó cũng chứa đầy thù hận. Viết về khát vọng sống nhưng số mệnh định đoạt cho mọi nhân vật sinh ra là để chết. Dù họ có quyết tâm chiến đấu thì kết cục vẫn phải đầu hàng và gục ngã. Trong những câu chuyện khác, nhân vật luôn có cơ hội để chiến thắng dù nhỏ nhoi nhưng Kathy, Ruth và Tommy trong “Mãi đừng xa tôi” thậm chí không có một con đường đến với tự do dù họ có tha thiết được yêu và sống chừng nào.

Niềm hy vọng mang tính biểu tượng duy nhất mà những nhân vật trong cuốn sách gửi gắm vào mang tên Norfolk. “Giá đâu đó tồn tại một nơi như Norfolk. Để khi chúng ta làm mất thứ gì quý báu, đã tìm hoài tìm mãi chẳng ra thì vẫn còn niềm an ủi cuối cùng rằng sau này khi được tự do đi lại, ta sẽ luôn luôn có thể tìm lại nó ở Norfolk...” Nhưng “Norfolk” lại quá nhỏ trong khi những thứ họ mất lại quá nhiều.

Suốt hành trình đọc sách, tôi đi từ sự tò mò về ngôi trường nội trú Hailsham nơi các nhân vật sống vì sao lại đặc biệt, tôi đi đến sự bàng hoàng khi biết mục đích tồn tại của những nhân vật trong thế giới này, rồi tôi thấy đau cùng nhân vật, đỉnh điểm là khoảnh khắc Tommy vùng vẫy, gào thét và chửi rủa trên cánh đồng đầy gió giật. Tommy và Kath, hai con người bé nhỏ nhưng không hề vô tri, họ chỉ biết đứng ôm nhau - cách duy nhất để không bị cuốn phăng vào đêm tối, họ cứ đứng đó “lâu đến hàng thế kỷ, không nói gì hết, chỉ ôm nhau, trong khi gió cứ quật tơi bời”…

“Mãi đừng xa tôi” mang thông điệp dữ dội, nhưng cách nhà văn Kazuo Ishiguro truyền tải lại “bình thản như mặt biển sóng ngầm”. Những cảm xúc khốc liệt, nỗi đau và sự tuyệt vọng chỉ bùng lên trong những chương cuối rồi bị nhấn chìm và vỡ vụn như bọt nước, thứ còn lại chỉ là sự ám ảnh, day dứt và suy tư…

Viết bình luận