“Cuộc đời như thế kéo dài đã mấy năm rồi. Nó còn kéo dài ra năm năm, mười năm, hai mươi năm…biết đến bao giờ? Thứ hoảng hốt nhận ra rằng đời y rất có thể cứ thế này mãi mãi, suốt đời, hoảng hốt như là y mới nhận ra cái điều thất vọng ấy lần đầu. Thì xưa nay y vẫn ngấm ngầm hy vọng vào một cái gì mãi đó ư? Y vẫn cho rằng cuộc đời hiện tại của y chỉ là một cuộc sống tạm bợ mà thôi. Y vẫn đợi chờ một cái gì, một cuộc đổi thay. căn cứ vào đâu? Thứ mở to đôi mắt, sợ hãi, nhận ra rằng bao nhiêu năm nay y đã sống như mơ ngủ vậy . Ôi chao! Còn cách gì để thay đổi được cuộc đời y?”
(Sống Mòn - Nam Cao)
Có nhận định cho rằng: “Dù viết về đề tài nào ,truyện của Nam Cao cũng thể hiện một tư tưởng chung: nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới”. Có lẽ người đọc, người học không còn quá xa lạ với văn Nam Cao, mỗi tác phẩm của nhà văn trước cách mạng Tháng tám đều mang màu sắc bất lực, tăm tối, cùng quẫn và đầy bi kịch của những phận người nhỏ bé, những người nông dân, những tri thức tiểu tư sản,... “Sống Mòn” là một trong số những tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao viết về thân phận của những trí thức nghèo trước cách mạng Tháng Tám. Mình đọc quyển sách này vào năm lớp 8, khi vừa học xong “Lão Hạc”, khi đó những suy nghĩ non nớt của mình chưa đủ để cảm nhận hết nỗi cùng cực mà biết bao số phận thời đại ấy phải chịu, bị tha hóa, bị đẩy vào những lầm lạc, những suy thoái về nhân cách,... Giờ đây, khi được tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học hơn, mình dần nhìn nhận một cách sâu sắc về những thân phận bị cái nghèo, cái khổ đè nén, vùi dập. Thấy xót xa cho “những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị cơm áo ghì sát đất.”
MS259 - Sống mòn - Popeoliee
Thứ Năm,
23/11/2023