"Hình như họ đã ném đời sống mình qua cửa sổ, và sự sống nát bét dưới kia những tầng lầu chất ngất cheo leo. Những mớ xác hồn được vớt lên từ cái chết, đã sống lại, và phải chết đi, lầm nữa, nhiều lần khác, riêng tư, thầm kín, và lạ lùng nhau hoàn toàn. Nàng bỗng nhận ra và hoảng kinh một sự thật quái dị. Mỗi người không phải chỉ được chết một lần, thật êm đềm, trọn vẹn, cuối đời, mà cứ mỗi đoạn đời, qua mỗi biến chuyển, mỗi khúc quanh lịch sử của đời người trầm luân, đều phải bị chết đi một lần. Một đời người, bao nhiêu lần biết động, là bấy nhiêu lần chết. Sau mỗi lần chết ấy, đời sống chừng như bi thảm hơn, nhưng cũng từ đó, rỡ ràng và hưng thịnh hơn lên, ít ra là trong tính chất bi thảm đặc biệt của nó."(Chuyện tình trong ngục thất- Nguyễn Thị Hoàng)
"Chuyện tình trong ngục thất" là cuốn sách mà ở đó không rõ cốt truyện, nhưng lại có gì đó mơ hồ, bi ai, đau buồn và day dứt lắm. Nhà văn bằng tài miêu tả vô cùng nhạy bén của mình đã cho làm cho mỗi con chữ tràn ngập trong một niềm mong manh và hư hao khó tả. Cái nét buồn bã, âu sầu như kéo dài đến vô tận, mãi cho đến khi gập cuốn sách lại, lòng ta vẫn chờn vờn những mênh mang….